Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 427 cơ sở y tế, trong đó có 182 cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế và 245 cơ sở y tế khác. Tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh ước trên 156 nghìn kg/năm, chủ yếu phát sinh từ các bệnh viện.
Trong đó, chất thải lây nhiễm sắc nhọn chiếm 13%; chất thải lây nhiễm không sắc nhọn chiếm 80%; chất thải giải phẫu chiếm khoảng 4%; chất thải nguy hại không lây nhiễm chiếm khoảng 2% và chất thải nguy hại khác chiếm khoảng 1%. Chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được phân loại ngay tại nơi phát sinh và đựng trong các túi nilon có màu sắc khác nhau để phân biệt, sau đó lưu giữ vào kho hoặc khu vực tập trung theo quy định. Tuy nhiên, còn một số cơ sở chưa bố trí hoặc bố trí khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại chưa đáp ứng theo quy định.
Về việc xử lý chất thải y tế nguy hại, qua khảo sát của các cơ quan chức năng cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở y tế được đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại, nhưng chỉ có 2 cơ sở có hệ thống xử lý đang hoạt động tốt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh), còn 8 cơ sở có hệ thống xử lý đã hỏng hoặc xuống cấp.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nơi phát sinh lượng chất thải nguy hại lớn nhất đã được đầu tư 2 hệ thống xử lý chất thải nguy hại gồm: hệ thống có công nghệ đốt và hệ thống có công nghệ hấp ướt. Hệ thống công nghệ đốt vẫn đang hoạt động tốt; hệ thống xử lý chất thải rắn nguy hại bằng công nghệ hấp ướt theo Dự án "Trình diễn và thúc đẩy những kỹ thuật và phương thức tốt nhất giảm chất thải y tế nhằm tránh phát thải những chất có chứa thủy ngân hay dioxin ra môi trường" do Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ không hoàn lại thông qua chương trình phát triển Liên hợp quốc của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bị hỏng.
Do đó, chất thải y tế nguy hại phát sinh một phần được xử lý tại lò đốt chất thải y tế của Bệnh viện, một phần được Bệnh viện ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý.
Đối với Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, chất thải y tế lây nhiễm không sắc nhọn được xử lý bằng công nghệ hấp ướt, chất thải sắc nhọn và chất thải nguy hại không lây nhiễm được Bệnh viện ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý theo quy định.
Tại các bệnh viện và trung tâm y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, chất thải y tế được thu gom, lưu giữ và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý. Chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực được thu gom, xử lý theo phương pháp đốt thủ công.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, để tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các cơ sở y tế không có hệ thống, thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại theo quy định sẽ được áp dụng mô hình xử lý chất thải y tế nguy hại theo cụm:
Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Ninh Bình (cơ sở mới) thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư (trừ Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Quân y 5 - Quân khu III); Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn và thành phố Tam Điệp; Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại đơn vị và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô.
Thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại của cơ sở phải đáp ứng quy chuẩn về bảo vệ môi trường và vận hành thường xuyên, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ và ghi đầy đủ thông tin vào Sổ nhật ký vận hành theo quy định về xử lý chất thải y tế nguy hại. Trường hợp chất thải y tế nguy hại trong cụm phát sinh vượt quá khả năng xử lý của cơ sở được chỉ định xử lý thì cơ sở này phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp theo quy định để xử lý, đảm bảo không để tồn đọng chất thải y tế trên tại cơ sở.
Đối với các cơ sở y tế không thuộc danh mục các cơ sở y tế xử lý theo mô hình cụm và đã được đầu tư công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo theo quy định thì tự xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh từ hoạt động của đơn vị, như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Quân y 5 - Quân khu 3. Trường hợp chất thải y tế nguy hại phát sinh vượt quá khả năng xử lý của cơ sở thì phải ký hợp đồng với cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại của các cụm trong tỉnh hoặc cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, trong đó có chức năng thu gom chất thải y tế nguy hại để xử lý.
Giáng Hương