Tuy nhiên, công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về hoạt động lễ hội chưa đầy đủ dẫn đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội chưa cụ thể, sâu sát. Hiệu quả công tác tuyên truyền còn hạn chế việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội chưa nghiêm, chất lượng hoạt động các dịch vụ còn khiêm tốn…
Chỉ còn ít ngày nữa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh sẽ đón xuân mới Canh Tý, đồng thời cũng là mùa tổ chức nhiều lễ hội. Đặc biệt, năm 2020 là năm Du lịch Quốc gia - Hoa Lư, Ninh Bình, vì vậy công tác quản lý Nhà nước và tổ chức các hoạt động lễ hội trên địa bàn càng được coi trọng… Ngày 31/12/2019, UBND tỉnh đã có Công văn số 621/UBND-VP6 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh:
Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và tổ chức tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm, có hiệu quả các quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về hoạt động lễ hội như: Chỉ thị 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư Trung ương (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 20/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban TVTU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Văn bản số 2140-CV/TU của Tỉnh ủy Ninh Bình về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các giá trị, ý nghĩa, nguồn gốc lễ hội, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong quá trình tổ chức và tham gia lễ hội. Coi trọng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan với quan điểm lấy cái đẹp, cái "xấu", tích cực biểu dương những địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đồng thời phê phán những biểu hiện lệch lạc, đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, bản sắc địa phương. Đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh trật chính trị, trật tự xã hội, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, tại các di tích, lễ hội, khu điểm du lịch. Coi trọng bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội, du lịch. Có phương án quản lý hòm công đức, sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, đúng mục đích, thực hiện nghiêm luật Di sản văn hóa.
Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép, mê tín dị đoan, như: xem bói, rút quẻ thẻ, dâng sao giải hạn, lên đồng hay hiện tượng ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ, chèo kéo khách, bán ép giá, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường, cùng chung tay bảo vệ di sản...
Các sở, ban, ngành chức năng, các địa phương cần làm tốt công tác tham mưu, thực hiện hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn. Cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân với phương châm là nhân dân là chủ thể, vừa tích cực tham gia vừa thụ hưởng sản phẩm văn hóa tinh thần lành mạnh.
Nguyễn Kim