Năm 2018, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Về quản lý Nhà nước, đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động quyết liệt, cụ thể. Tập trung sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến địa bàn hoạt động, trách nhiệm phối hợp giữa các lực lượng chức năng, các quy định liên quan đến kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Trong năm lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 234.606 vụ việc vi phạm (tăng 4% so với cùng kỳ) nộp ngân sách 19.377 tỷ đồng. Những kết quả trên đã góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Chưa tạo được chuyển biến căn bản, toàn diện. Nhiều mặt hàng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Vấn đề lợi dụng chính sách quản lý rủi do trong hoạt động xuất, nhập khẩu để buôn lậu, trốn thuế, vận chuyển hàng cấm, vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả…
Tồn tại trên đây có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, song nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu như: Chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thật quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Vai trò của lực lượng chuyên trách còn hạn chế. Tổ chức bộ máy của cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, nhiệm vụ chưa được phân định cụ thể dẫn đến một số trường hợp không xác định được rõ trách nhiệm…
Để công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được sự chuyển biến căn bản và đạt hiệu quả tích cực cần tổ chức quán triệt và triển khai, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Xác định công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị mà lực lượng nòng cốt là các ngành chức năng, các địa phương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp kéo dài về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thì người đứng đầu phải kiểm điểm trách nhiệm. Nếu cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng, bảo kê thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí, nhất là người dân trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở. Có giải pháp quyết liệt phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung luật xử lý vi phạm hành chính. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ. Tăng cường mở rộng và hợp tác quốc tế chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nghiên cứu đề xuất đàm phán, ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực nhạy cảm này…
Nguyễn Kim