PV: Xin đồng chí cho biết công tác gia đình trong thời gian qua được triển khai thực hiện ở tỉnh Ninh Bình như thế nào? Có những thuận lợi và khó khăn gì?
Đồng chí Trịnh Xuân Hồng: Gia đình là tế bào của xã hội, là nhân tố quan trọng trong việc duy trì và phát triển đời sống xã hội. Chính vì thế, trong những năm gần đây, công tác gia đình đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, đã có nhiều chính sách về gia đình được ban hành, như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, quyết định lấy ngày 28-6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam…
Gia đình ông Vũ Văn Riến (phố Me, thị trấn Me, Gia Viễn) nhiều năm là gia đình Văn hóa. Ảnh: Phạm Trường
Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh luôn quán triệt sâu sắc quan điểm: Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững, bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị số 49-CT/T.Ư ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 30-TT/TU ngày 19-5-2005 về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1619/2006/QĐ-UBND ngày 8-8-2006 phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xây dựng Gia đình Việt nam giai đoạn 2006-2010 tỉnh Ninh Bình, trong đó quy định rõ mục tiêu cần đạt trong từng giai đoạn và chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành.
Đội ngũ cán bộ về công tác gia đình được hình thành, không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quản lý nhà nước về công tác gia đình.
Các địa phương đã bám sát tiêu chuẩn gia đình văn hóa để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, tạo nên sự chuyển biến về nhận thức sâu sắc trong cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong xu thế hội nhập và phát triển.
Các đoàn thể thường xuyên lồng ghép phong trào xây dựng gia đình văn hóa với các nội dung thi đua: sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo; "Ông bà, cha mẹ mẫu mực con cháu thảo hiền", "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan", "Gia đình, dòng họ hiếu học"…
Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương. Việc phát động đăng ký và tổ chức bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa hàng năm ở cơ sở diễn ra công khai, dân chủ. Số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên, từ 38,3% (năm 2001), lên 73,1% (năm 2005) và 81,9% (năm 2010). 3 mục tiêu và 14 chỉ tiêu của Chiến lược xây dựng gia đình giai đoạn 2005-2010 đã được triển khai và thực hiện có hiệu quả.
Đặc biệt, các chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ bạo lực trong gia đình, tỷ lệ hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu, công tác kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện…, tạo bước chuyển biến rõ nét trong công tác gia đình trong thời gian qua.
Tuy nhiên, công tác gia đình vẫn còn những khó khăn, như: nhận thức của người dân về bình đẳng trong gia đình vẫn còn hạn chế, các cấp chính quyền chưa quan tâm thường xuyên, sâu sát đến công tác gia đình; nhận thức của nam giới trong phòng, chống bạo lực gia đình còn chưa cao; kinh phí cho công tác gia đình còn hạn chế…
PV: Theo đồng chí, trong bối cảnh hiện nay, những vấn đề nào trong công tác gia đình ở Ninh Bình cần được quan tâm giải quyết?
Đồng chí Trịnh Xuân Hồng: Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gia đình phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng ích kỷ, đề cao tự do cá nhân… đã tác động mạnh đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình.
Nhiều giá trị đạo đức của gia đình đang bị mai một, có biểu hiện xuống cấp. Tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình. Trẻ em vi phạm pháp luật, tình trạng bạo lực trong gia đình còn diễn ra. Công tác xóa đói giảm nghèo tuy có kết quả, nhưng vẫn chưa vững chắc. Nguy cơ tái nghèo còn cao. Vấn đề gia tăng dân số vẫn còn là nỗi lo, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Mạng lưới y tế, giáo dục ở một số địa phương chưa đáp ứng cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Chính vì vậy, công tác gia đình hiện nay phải quan tâm giải quyết tốt các vấn đề như: củng cố ổn định gia đình trên cơ sở kế thừa các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị gia đình của xã hội phát triển; phát triển kinh tế gia đình để tạo điều kiện xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững; thực hiện mô hình gia đình ít con, nâng cao việc chăm sóc sức khỏe người dân; phòng, chống bạo lực gia đình; nâng cao vai trò lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với công tác gia đình, đồng thời bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở các cấp.
PV: Thưa đồng chí, để tăng cường sự bền vững cho gia đình, về phía cơ quan chuyên môn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đề xuất giải pháp gì để phối hợp giữa chính quyền với các tổ chức đoàn thể xã hội hỗ trợ cho công tác gia đình?
Đồng chí Trịnh Xuân Hồng: Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mục tiêu của công tác gia đình là: ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí: ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ 1 hoặc 2 con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, mỗi gia đình là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. Hướng tới mục tiêu đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác gia đình, coi việc đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo lồng ghép công tác gia đình với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trong đó trọng tâm là: Xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng, bản, phố văn hóa, gia đình văn hóa. Coi việc phát huy giá trị truyền thống văn hóa gia đình là vấn đề quan trọng trong công tác chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới...
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Ngọc Minh (Thực hiện)