Công nhân thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản Do điều kiện làm việc từ 7h sáng tới 17 - 18 giờ chiều mỗi ngày, cả tuần mới được nghỉ 1 ngày chủ nhật để lo việc gia đình là khoảng thời gian khá eo hẹp đối với những công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, công nhân làm thuê tại các doanh nghiệp tư nhân. Nhiều công nhân nữ gần như không có thời gian chăm sóc bản thân. Chị Lê Thị Hồng Mến, xã Sơn Hà (Nho Quan), là công nhân Công ty May Đài Loan (Khu công nghiệp Gián Khẩu) chia sẻ: Tôi làm công nhân tại Công ty, thời gian làm việc từ sáng tới chiều muộn, chồng tôi công tác xa nhà nên rất vất vả. Mọi việc gia đình, con cái phải bố trí sắp xếp theo điều kiện làm việc của mình, sáng gửi cháu sớm bên bà ngoại để bà cho đến lớp. Chiều 18-19 giờ mới về nhà, lo công việc gia đình, cơm nước, chăm sóc con, không có thời gian cho bản thân. Về chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, chị em trong Công ty thường chia sẻ với nhau, đôi lúc được tiếp nhận thông tin qua truyền hình, ít được tiếp cận kiến thức thực tế, nếu thấy có vấn đề về sức khỏe tranh thủ ngày chủ nhật được nghỉ đến phòng khám để khám chứ không có thói quen, điều kiện khám thường kỳ.
Đối với chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, xã Khánh Thành đang làm việc tại Công ty may Yên Thành (Yên Khánh), thì các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ; tầm soát dị tật bẩm sinh; sàng lọc trước sinh và sơ sinh…, chị chỉ hiểu biết sơ qua bởi đã được các cộng tác viên dân số tuyên truyền tại nhà vào buổi tối, chứ đi khám sức khỏe sinh sản thường kỳ bản thân chưa thực hiện được, khi có bệnh mới đi khám.
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 7 khu công nghiệp, có 4 khu đã đi vào hoạt động và 22 cụm công nghiệp. Tính đến nay, tổng số lao động làm việc tại các khu công nghiệp hơn 25 nghìn người, trong đó có đến 90% là lao động nữ, hầu hết còn trẻ, đang trong độ tuổi sinh đẻ và có một tỷ lệ cao chưa xây dựng gia đình, hầu hết thiếu kiến thức về an toàn tình dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp KHHGĐ, phòng tránh các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản và lây truyền qua đường tình dục. Công nhân thường làm việc theo ca, giờ giấc rất nghiêm ngặt, không có thời gian tham gia các lớp cung cấp kiến thức sức khỏe sinh sản và các đợt truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tại địa phương. Trong khi đó, hầu hết các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp chưa có cán bộ y tế có chuyên môn về sản khoa, việc khám bệnh định kỳ cho công nhân của một số nhà máy, xí nghiệp chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ tại các nhà máy xí nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Tăng cường các hoạt động truyền thông chăm sóc SKSS cho công nhân
Đồng chí Lý Thị Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số -KHHGĐ tỉnh cho biết: Nhận thức được đây là đối tượng khó tiếp cận, những năm gần đây, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã có những hướng tiếp cận mới đến nhóm đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp thông qua việc phối kết hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban quản lý các Khu công nghiệp và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh để tuyên truyền kết hợp với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến các nhóm đối tượng đặc thù này. Thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, kết hợp hài hòa giữa truyền thông trực tiếp kết hợp với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Để tổ chức các hoạt động cung cấp kiến thức và dịch vụ cho nhóm đối tượng công nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với lãnh đạo các công ty, nhà máy bố trí thời gian, cắt ca để công nhân được tham gia các buổi truyền thông, tư vấn về dân số/sức khỏe tình dục/KHHGĐ. Các công ty thường bố trí từ 90-120 phút hoặc bố trí thời gian cuối buổi lao động để công nhân ngừng làm việc được trực tiếp nghe báo cáo viên giảng bài. Tuy nhiên, có đơn vị do thời gian gấp rút phải trả hàng cho đối tác không thể cho công nhân ngừng sản xuất để thực hiện buổi tuyên truyền, lãnh đạo nhà máy đã phổ biến cho công nhân ngồi tại chỗ vừa sản xuất, vừa nghe báo cáo viên tuyên truyền phát trên loa truyền thanh của nhà máy. Đây là cách làm mới vẫn đảm bảo được năng suất chất lượng và công nhân đã tiếp nhận được kiến thức bổ ích. Từ năm 2011-2015, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức 32 lớp cung cấp kiến thức dân số/sức khỏe sinh sản/KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số cho trên 4.000 công nhân, lao động đang làm việc tại các công ty, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp trong toàn tỉnh. Dự kiến năm 2015, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh tiếp tục tổ chức 10 lớp cung cấp kiến thức sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số cho 1.000 công nhân lao động trong khu công nghiệp.
Cùng với việc cung cấp thông tin, kiến thức, hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho công nhân lao động được chú trọng. để đảm bảo thời gian và hiệu quả công việc, ngay sau khi lớp cung cấp kiến thức sức khỏe sinh sản, công nhân lao động được đội dịch vụ lưu động của Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh khám sức khỏe, khám phụ khoa và được tư vấn thực hiện các biện pháp KHHGĐ tại phòng y tế của Công ty. Một số nhà máy, xí nghiệp đã chủ động phối hợp mời Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, Đội KHHGĐ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân lao động như Công ty giày Adora - Tam Điệp, Khu công nghiệp Gián Khẩu, Công ty may Excel…
Đồng thời, đối với các xã, phường có các khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp đóng trên địa bàn, Chi cục Dân số-KHHGĐ và Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch và tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ vào ngày nghỉ (thứ bảy, chủ nhật), Trạm y tế và đội dịch vụ bố trí lực lượng làm ngoài giờ hành chính để công nhân lao động có điều kiện đến các điểm cung cấp dịch vụ tham gia chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Qua đó nhằm đảm bảo quyền lợi của công nhân trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao ý thức tự chăm sóc bản thân, đảm bảo nguồn lực lao động cho quê hương.
Bài, ảnh: Hồng Vân