Trong những năm qua, Sở Công thương Ninh Bình đã có những bước tiến lớn trong công tác cải cách TTHC nhằm nâng cao hiệu quả công việc, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, hạn chế tối đa sai sót, tiêu cực. Đồng chí Lương Xuân Bằng, Phó Giám đốc Sở cho biết, là cơ quan tham mưu của tỉnh trên các lĩnh vực công nghiệp và thương mại, chức năng nhiệm vụ của Sở ngoài vai trò quản lý Nhà nước còn trực tiếp quản lý nhiều lĩnh vực cụ thể với trên 80 TTHC thuộc 10 lĩnh vực lớn. Trong đó có một số thủ tục khá nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như: cấp, đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; đăng ký thực hiện khuyến mại; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp,... Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức và cá nhân khi đến giao dịch, từ năm 2009, Sở đã thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết các TTHC theo cơ chế "một cửa", đồng thời phân công một đồng chí Phó giám đốc trực tiếp phụ trách, giải quyết công việc. Trong điều kiện kinh phí có hạn nhưng Sở đã cố gắng đầu tư, cải tạo lại nơi làm việc của bộ phận "một cửa" theo tiêu chí tiện lợi, sạch sẽ, văn minh. Bộ phận "một cửa" được bố trí tủ đựng hồ sơ, ghế ngồi, nước uống cho khách chu đáo. Bộ TTHC đang áp dụng tại Sở cũng được niêm yết công khai theo đúng quy trình, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như các tổ chức, cơ quan đến liên hệ làm thủ tục nhanh chóng, thuận tiện và chính xác. Khi khách đến giao dịch chỉ cần đọc các quy định, hướng dẫn thủ tục hành chính, mức thu lệ phí và tự chuẩn bị hồ sơ để chuyển cho bộ phận tiếp nhận. Cán bộ tiếp nhận sẽ phân hồ sơ theo từng loại công việc, đối chiếu với quy định để ghi giấy hẹn cho khách hàng đối với hồ sơ đầy đủ và yêu cầu bổ sung những thủ tục còn thiếu. Những trường hợp không được giải quyết đều phải có trả lời rõ vì sao không được, kể cả các trường hợp chậm muộn cũng phải thông báo rõ. Các phòng nghiệp vụ thực hiện chức năng kiểm tra, thẩm định hồ sơ, tham mưu trình lãnh đạo Sở giải quyết thủ tục hành chính theo thẩm quyền một cách nhanh chóng, thuận tiện theo đúng quy định.
Thay đổi dễ nhận thấy nhất trong công tác cải cách TTHC của Sở Công thương là việc cải tiến quy trình để rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục về lưu thông hàng hóa trong nước. Để giảm bớt thời gian đi lại cho tổ chức và cá nhân, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp cùng bộ phận "một cửa" rà soát lại toàn bộ quy trình từ khâu tiếp nhận kiểm tra, chuyển giao hồ sơ giữa các bộ phận, thụ lý hồ sơ,... đến khâu thẩm tra, trình lãnh đạo Sở ký nhằm giảm bớt những công đoạn rườm rà về mặt thời gian, để việc giải quyết các TTHC nhanh chóng, thuận tiện nhất. Nhờ đó, đến nay, các TTHC đang áp dụng tại Sở Công thương được giải quyết theo quy trình rất khoa học, thông thoáng, nhanh gọn, mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, Sở Công thương Ninh Bình đã giải quyết 81 TTHC ở mức độ 2 theo cơ chế "một cửa", tính riêng từ đầu năm đến nay, bộ phận "một cửa" của Sở đã tiếp nhận và giải quyết được 580 hồ sơ các loại, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, thủ tục trên lĩnh vực lưu thông hàng hóa trong nước 446 hồ sơ; lĩnh vực quản lý điện năng là 57 hồ sơ; lĩnh vực hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp 37 hồ sơ; lĩnh vực xúc tiến thương mại là 29 hồ sơ… Cùng với việc giải quyết tất cả các TTHC ở mức độ 2, từ tháng 12-2014, Sở đã chính thức đưa vào vận hành website dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 11 TTHC. Điều này cho phép người dân và doanh nghiệp không cần trực tiếp đến Sở khi làm TTHC mà chỉ cần truy cập vào website của Sở và khai báo thông tin qua mạng internet. Các phòng chuyên môn sẽ nhận thông tin, thẩm tra, hướng dẫn trực tuyến, sau khi có đủ hồ sơ, hệ thống sẽ gửi giấy hẹn có mã xác nhận. Trong thời gian xử lý, tổ chức, cá nhân có thể trực tiếp kiểm tra tình trạng hồ sơ của mình qua mạng Internet.
Đến ngày hẹn, tổ chức và cá nhân chỉ việc mang giấy hẹn, bản gốc hồ sơ đến bộ phận "một cửa" của Sở để đối chiếu và nhận kết quả. Qua đó, giúp tiết kiệm tối đa thời gian và công sức của người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, hàng năm, Sở đều tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ trực tại bộ phận "một cửa" nói riêng, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những thiếu sót, sai phạm từng bước nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức.
Bài, ảnh: Quốc Khang