Từ năm 2015, xã Khánh Cường và Khánh Hòa huyện Yên Khánh được lựa chọn làm điểm triển khai xây dựng mô hình "Ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em" từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ.
Để triển khai hiệu quả mô hình này, Sở Lao động Thương binh vã Xã hội đã tổ chức tập huấn cho Ban chỉ đạo của xã và cộng tác viên của 2 xã về kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em; các tiêu chí xây dựng ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em; các biểu mẫu khảo sát thông kê liên quan.
100% cán bộ và cộng tác viên của 02 xã triển khai mô hình được tuyên truyền nhận biết các nguy cơ và biết cách phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã hướng dẫn UBND 2 xã triển khai khảo sát các hộ gia đình có trẻ em, đánh giá các tiêu chí về ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Khánh tổ chức 2 cuộc tư vấn cộng đồng về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em tại 2 xã, hướng dẫn UBND 2 xã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh xã về kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Với sự tham gia của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân, thông qua các buổi họp xã, họp thôn, các hoạt động được lồng ghép tuyên truyền, giáo dục cho người dân về nguyên nhân và cách phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Từ đó giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết và loại bỏ các mối nguy hiểm có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ xung quanh nhà và trong nhà, giảm đến mức thấp nhất các loại thương tích ở trẻ em tại gia đình và cộng đồng do các nguyên nhân trong sinh hoạt hàng ngày gây ra, góp phần nâng cao ý thức của người dân về an toàn cộng đồng, đặc biệt là lấy sự an toàn của trẻ em làm trọng tâm trong công tác phòng tránh tai nạn, thương tích.
Với những hiệu quả mang lại từ mô hình "Ngôi nhà an toàn", trong năm 2018, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp tục nhân rộng ra một số địa phương khác ở huyện Yên Mô, Kim Sơn và Gia Viễn.
Cùng với việc xây dựng các mô hình ngôi nhà an toàn, Ngành Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã tăng cường tổ chức các cuộc tư vấn trực tiếp về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em; phòng tránh Tai nạn thương tích, xâm hại, bạo lực trẻ em cho đội ngũ cán bộ xã, giáo viên các trường THCS, tiểu học, mầm non, trưởng các thôn, xóm, y tế thôn bản, các tổ chức quần chúng (đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân) và các bậc cha mẹ có trẻ em dưới 16 tuổi tại một số xã, thị trấn ở cả 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu; Tổ chức 64 buổi sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục giới tính, vệ sinh em gái, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh cho trẻ em... thu hút hàng ngàn người tham dự.
Đồng chí Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền thì công tác phát hiện, can thiệp sớm để chấm dứt hoặc giảm thiểu mức độ tổn hại do các nguy cơ gây tổn hại đang diễn ra với trẻ em cũng được tỉnh ta tích cực triển khai bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực.
Trẻ em sống trong các gia đình nghèo, gia đình chính sách, khó khăn về kinh tế duy trì việc học tập trong nhà trường và tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh công tác bảo vệ trẻ, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, vui tươi, lành mạnh góp phần cho trẻ có cơ hội phát triển toàn diện cả thể chất, tinh thần.
Hiện nay, toàn tỉnh có 01 Trung tâm thanh thiếu nhi do tỉnh quản lý, 03 nhà thiếu nhi cấp huyện, 145/145 xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi cho trẻ em với tổng số 145 điểm vui chơi ở xã, phường, thị trấn và 1474 điểm vui chơi ở thôn, xóm, phố; 143/145 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em.
Ngày càng có nhiều các công trình công cộng, các khu vui chơi giải trí, xây dựng thiết chế văn hóa để phục vụ hoạt động văn hóa, vui chơi của trẻ em; đầu tư các loại truyện tranh, sách báo tại thư viện tỉnh và mở cửa tất cả các ngày trong dịp hè phục vụ trẻ em có nhu cầu đọc sách.
Hàng năm, nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực vì trẻ em như: Tổ chức chương trình học kỳ quân đội với chủ đề "Trải nghiệm và trưởng thành", thu hút 80 chiến sỹ nhí là đoàn viên, thanh thiếu niên, học sinh khối THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tham gia. Tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, du lịch an toàn, lành mạnh phù hợp với lứa tuổi, với sự phát triển về thể lực, trí tuệ, tinh thần của trẻ em.
Duy trì hoạt động thường xuyên các mô hình câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm: "Quyền trẻ em", "Đội tuyên truyền măng non"… tạo môi trường cho trẻ em thể hiện tiếng nói của mình trong các hoạt động Đội ở cơ sở. Các hoạt động về nguồn, trải nghiệm thực tế cũng diễn ra sôi nổi, thu hút gần 3.000 trẻ em tham gia.
Đã thành thông lệ, hàng năm Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan tiếng hát Hoa phượng đỏ tỉnh Ninh Bình; Tổ chức giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng cúp phát thanh truyền hình tỉnh Ninh Bình lần thứ 22 thu hút đông đảo trẻ em trên địa bàn các huyện, thành phố tham gia. Hội phật giáo tỉnh tổ chức 02 khóa tu mùa hè tại chùa Bái Đính, chùa Cổ Loan thu hút gần 3.000 trẻ em tham gia.
Qua đó, đã tạo cho trẻ em có kỳ nghỉ hè vui, lành mạnh và bổ ích, giúp các em nhìn nhận cuộc sống đúng đắn, lạc quan, tích cực, có ý thức, trách nhiệm, biết yêu thương, tôn trọng mọi người là nền tảng cho một cuộc sống hạnh phúc và góp phần xây dựng xã hội văn minh, đất nước giàu đẹp.
Nguyễn Hùng - Minh Quang