Công ty TNHH MTV Bình Minh, huyện Kim Sơn có khoảng 400 ha lúa. Trung bình mỗi hộ công nhân sở hữu 1 mẫu lúa, có hộ nhiều lên tới 2 ha, do vậy việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất là một yêu cầu tất yếu. ở đây các khâu làm đất, thủy lợi, gặt đã được cơ giới hóa 100%. Vụ xuân năm 2012, Công ty phối hợp với Công ty máy nông nghiệp Kobuta tiếp tục đưa cơ giới hóa vào khâu gieo cấy.
Anh Nguyễn Văn Đạt, một hộ công nhân tham gia cấy thử nghiệm bằng máy cấy cho biết: Lúa cấy bằng máy sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh tốt, ít sâu bệnh, đặc biệt giảm được giá thành sản xuất vì thuê máy cấy chỉ 110 nghìn đồng/sào trong khi giá thuê nhân công hiện vào khoảng 170 nghìn đồng/sào.
Ông Nguyễn Văn Ngạn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bình Minh tính toán: Qua vụ đầu tiên, năng suất lúa đạt 73 tạ/ha, cao hơn 5-7% so với cấy tay. Lợi nhuận đạt 17,5 triệu đồng/ha, cao hơn 5 triệu đồng so với biện pháp cấy lúa truyền thống. Mặt khác mạ dành cho máy cấy được gieo trong khay. Điều này giúp nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, tạo ra cây mạ tiêu chuẩn, bảo vệ an toàn mạ trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại vụ xuân hay nắng hạn của vụ mùa và chủ động gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.
"Với mỗi ha lúa cấy bằng máy cho hiệu quả hơn cấy tay 7-8 triệu đồng. Nếu triển khai trên toàn bộ diện tích lúa 39.000 ha/vụ của Ninh Bình sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng mỗi vụ". Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng phòng kinh doanh khu vực phía Bắc Công ty máy nông nghiệp Kubuta nhận định.
Ngoài máy cấy, việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa cũng đã được triển khai trong một số năm gần đây và đang phát triển mạnh. Máy gặt đập liên hợp với năng suất trung bình 10 phút/sào, giá thuê máy chỉ bằng 60-70% thuê gặt tay, lại hạn chế được hao hụt trong quá trình thu hoạch.
Không chỉ giúp tăng hiệu quả kinh tế, việc ứng dụng cơ giới hóa sản xuất còn tạo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Với phương thức sản xuất lúa như hiện nay thì trung bình 1 ha lúa cần 5-7 lao động nhưng nếu ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ thì chỉ cần 2-3 lao động. Như vậy với khoảng 250 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh ta hiện nay thì việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ sẽ giúp chuyển dịch trên 100 nghìn lao động sang các ngành nghề dịch vụ khác, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
Theo khảo sát của ngành Nông nghệp, hiện nay toàn tỉnh đã có gần 5.600 máy làm đất các loại (1.600 máy 12 mã lực và gần 3.000 máy 12-15 mã lực, 1.000 máy trên 15 mã lực) đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Trong khâu thu hoạch, từ những máy gặt đập đầu tiên được đưa vào đồng đất Ninh Bình năm 2008 đến năm 2012 đã có khoảng 175 máy, đáp ứng được 15-20% nhu cầu thu hoạch lúa. Trong khâu gieo cấy, việc cơ giới hóa được thể hiện cụ thể ở việc áp dụng công cụ xạ hàng kéo tay để thay thế cho việc gieo mạ và cấy truyền thống và việc xây dựng mô hình đưa máy cấy vào sản xuất. Đến nay diện tích lúa gieo thẳng đã được nhân rộng lên 5.000 ha/năm trong toàn tỉnh.
Ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng: ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất là hướng đi tất yếu trong nông nghiệp. Tuy nhiên chúng ta đang vấp phải 2 vấn đề căn bản đó là ruộng đất manh mún và nông dân còn nghèo. Do vậy việc liên kết nông dân nhỏ trên cánh đồng lớn là hướng đi bắt buộc.
Theo nhận định của một số nhà quản lý, giá thành các loại máy nông nghiệp hiện nay còn cao so với thu nhập của người dân, như máy cấy khoảng 95-100 triệu đồng, máy gặt đập liên hợp 200-500 triệu đồng. Hơn nữa trình độ của người nông dân không đều, ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất. Do đó, cần có HTX, tổ dịch vụ hoặc doanh nghiệp đứng ra làm dịch vụ như thu hoạch, cấy và bán mạ khay cho nông dân. Nhà nước cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chính sách thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, mở rộng cánh đồng mẫu lớn, huy động doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đầu tư xây dựng thêm hệ thống sấy lúa, kho chứa để thu mua tồn trữ lúa. Các địa phương nên quan tâm mở các lớp tập huấn về bảo trì, sử dụng máy gặt đập liên hợp nhằm đảm bảo năng suất và giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu