Sau khi Nghị quyết của Trung ương được ban hành, tỉnh Ninh Bình đã có chương trình hành động cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/T.Ư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện theo định hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực; thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân; từng bước xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững và nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai thông qua việc thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn tỉnh như: Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục; các đề án giảm nghèo, xóa nhà tranh tre, dột nát; đề án hỗ trợ phát triển cây vụ đông, sản xuất lúa cao sản và lúa chất lượng cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển ngành nghề nông thôn; các dự án giao thông, thủy lợi; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu… Chính vì thế mà diện mạo nông thôn của tỉnh ta đã có nhiều đổi mới, đời sống người dân nông thôn ngày càng được cải thiện và nâng cao. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục, mở rộng và phát triển; tạo thêm nhiều việc làm tăng thu nhập trong nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,15% (tiêu chí 2005) và theo tiêu chí mới là 12,4%. Cơ cấu kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đến năm 2010, giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp đạt trên 76 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 51 vạn tấn, đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực 500 kg/người/năm. Kết cấu hạ tầng như điện, nước, giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của vùng nông thôn. Sau hơn 2 năm thực hiện, qua đánh giá thực trạng sơ bộ ở 123 xã trên địa bàn tỉnh so với 19 tiêu chí Quốc gia cho thấy, có 4 tiêu chí đã cơ bản đạt được như tiêu chí Quốc gia đó là: có trên 80% hộ dân nông thôn mua điện trực tiếp từ ngành Điện; 100% xã có điểm Bưu điện văn hóa xã và đường truyền Internet đến trung tâm xã; hình thức tổ chức sản xuất và an ninh, trật tự xã hội.
Có 7 tiêu chí đạt mức từ 50-80% tiêu chí Quốc gia là có 90% kênh mương được kiên cố hóa, hệ thống đê điều, công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão và sản xuất, dân sinh; nhà ở dân cư; cơ cấu lao động; giáo dục, y tế, văn hóa và hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh.
Có 8 tiêu chí đạt mức dưới 50% tiêu chí Quốc gia là quy hoạch, giao thông, trường học, cơ sở vật chất, văn hóa, chợ nông thôn, thu nhập, hộ nghèo và môi trường. Bên cạnh những kết quả bước đầu, công tác xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế như: công tác đánh giá thực trạng nông thôn đã được các cấp, các ngành rà soát, báo cáo từ năm 2009, đến nay số liệu đã lạc hậu, chưa được điều chỉnh nên rất khó khăn cho việc xây dựng đề án nông thôn mới cấp tỉnh. Công tác xây dựng quy hoạch nông thôn mới còn chậm. Công tác tuyên truyền cho các cấp, các ngành về xây dựng nông thôn mới chưa được làm thường xuyên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức hết được mục tiêu, ý nghĩa, vai trò, trình tự thực hiện nên còn lúng túng, thiếu chủ động trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới...
Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, phấn đấu đến 2015 có trên 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, ngày 22-12-2010 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 20-QĐ/TU thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2010-2020. Tại phiên họp ngày 11-3-2011, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đã thống nhất mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015, phấn đấu toàn tỉnh có 35 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đây là nhiệm vụ nặng nề đối với hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, trong đó các cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh, trong năm 2011 cần tập trung làm tốt công tác tập huấn cho cán bộ các sở, ban, ngành của tỉnh, Ban chỉ đạo của các huyện, thành phố, thị xã và Ban quản lý chương trình nông thôn mới cấp xã về xây dựng nông thôn mới. Triển khai khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn các xã và tổ chức lựa chọn 35 xã để triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Hoàn thành xây dựng đề án nông thôn mới của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; xây dựng đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã cho 120 xã. Song song với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông thôn mới và những nội dung, phương pháp, mục tiêu cần đạt được để người dân hiểu, đồng thuận tham gia và giám sát thực hiện nông thôn mới tại thôn, xã mình. Ban chỉ đạo nông thôn mới cấp huyện cần tập trung chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các xã hoàn thành việc thành lập Ban quản lý xây dựng nông thôn mới ở các xã. Ban chỉ đạo cấp huyện và xã cần khẩn trương triển khai thực hiện ngay việc khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn để lựa chọn các xã làm điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Tổ chức tốt việc lập quy hoạch nông thôn mới và tổ chức lấy ý kiến tham khảo của cộng đồng dân cư trước khi trình UBND cấp huyện phê duyệt.
Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên, các địa phương cần kiểm tra rà soát và tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn theo đúng định hướng xây dựng nông thôn mới. Trong đó ưu tiên triển khai thực hiện phương án phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch... Năm 2011, tỉnh đã bố trí 90 tỷ đồng để triển khai xây dựng nông thôn mới; trong đó tập trung cho công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, lập quy hoạch nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chương trình giống và cây vụ đông, sản xuất lúa chất lượng cao và một số chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác…, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thanh Chiên