Ông Đinh Văn Bích, Trưởng phòng chăn nuôi, Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: Ngành chăn nuôi năm nay tuy vẫn tăng trưởng nhưng mức độ tăng trưởng thấp hơn so với các năm trước. Nguyên nhân là do đầu năm xảy ra rét đậm, rét hại làm chết hàng trăm con gia súc, số lượng gia cầm giảm mạnh mẽ. Tiếp theo đó lại xảy ra dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh làm nhiều hộ lao đao. Rồi đợt lũ lụt hồi cuối tháng 10 đầu tháng 11 làm nhiều hộ chăn nuôi lợn, gà bị ảnh hưởng phải bán vội nhằm tránh lũ. Thêm vào đó, giá cám tổng hợp tăng, lãi suất ngân hàng tăng dẫn đến chăn nuôi không có lãi. Người dân không còn mặn mà với chăn nuôi nữa.
Ông Nguyễn Văn Kỷ, tổ 11, phường Trung Sơn (thị xã Tam Điệp) cho biết: Giá thịt lợn mấy tháng vừa rồi giảm mạnh từ 30.000 đồng/kg xuống còn 25.000 đồng, có lúc có 20.000 đồng/kg, trong khi đó giá thức ăn vẫn tăng. Nhà ông Kỷ cố nuôi giữ đàn lợn để chờ giá lên nhưng cuối cùng cũng phải bán giá thấp. Bà Lê Thị Hiền, chuyên kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở tổ 8, phường Bắc Sơn (thị xã Tam Điệp) cho biết: Hàng năm nay bán rất chậm, nhất là thức ăn tổng hợp, nhiều hộ năm trước nuôi đến hàng trăm con lợn nay cũng nản, bỏ không nuôi nữa.
Theo Cục thống kê tỉnh, đàn trâu năm nay tiếp tục giảm, đàn bò qua nhiều năm tăng nhanh thì năm nay chững lại và có xu hướng giảm ở nhiều địa phương. Ước tính toàn tỉnh hiện có khoảng 16.411 con trâu, 58.957 con bò, sản lượng thịt trâu xuất chuồng ước 1.128 tấn (giảm 35 tấn so với năm 2007), sản lượng thịt bò ước 1.893 tấn (tăng 212 tấn so với năm 2007). Về đàn lợn, Ninh Bình có khoảng 378,9 nghìn con, tăng hơn 13 nghìn con so với năm trước, trong đó lợn thịt là 290,3 nghìn con, tăng 4,6 nghìn con. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong kỳ toàn tỉnh đạt khoảng 34.062 tấn, tăng 2,8 nghìn tấn so với năm 2007. Riêng đàn gia cầm, số lượng đàn tăng gần 14 nghìn con so với năm trước, sản lượng gia cầm hơi xuất bán đạt 5.336 tấn (tăng 3%) và sản lượng trứng là 66.951 nghìn quả (tăng 5,3%).
Chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại cho hiệu quả kinh tế cao.
Như vậy, với số lượng dân gần 1 triệu người và mức sử dụng thịt bình quân đầu người khoảng 33 kg/năm thì tỉnh ta có khả năng cung cấp đủ nhu cầu sử dụng thịt trong địa bàn tỉnh.Tuy nhiên trong dịp Tết nguyên đán mức độ tiêu dùng thịt sẽ tăng lên khoảng 20-30%, do đó tỉnh cần có những chính sách nhằm thúc đẩy chăn nuôi phát triển, đồng thời kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo cung cấp những thực phẩm an toàn cho người dân.
Sở Nông nghiệp &PTNT đã có những hướng dẫn cụ thể nhằm giúp người dân khôi phục chăn nuôi: Trước tiên, để giải quyết vấn đề giá cám công nghiệp tăng cao, các hộ dân có thể sử dụng các nguyên liệu như cám gạo, ngô, bèo… với giá rẻ để tự phối chế thay thế thức ăn tổng hợp. Triệt để tận thu những phế phẩm nông nghiệp (cây ngô, lạc, rơm rạ) để chủ động lượng thức ăn cho hiện tại và dự trữ cho mùa rét cho trâu, bò. Do lũ lụt làm vụ đông bị mất khá nhiều nên có thể khắc phục bằng cách trồng mới các loại cỏ (cỏ voi, cỏ VA06, cây keo dậu, chè khổng lồ), gieo ngô dầy, ươm trồng dây khoai lang cung cấp thức ăn cho đại gia súc. Sở cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, thực hiện vệ sinh khử trùng, tiêu độc chuồng trại và khu vực chăn nuôi. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh. Phấn đấu từ nay đến Tết Nguyên đán, chăn nuôi sẽ được khôi phục dần.
Nguyễn Lựu