Mục tiêu là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức và công dân, đảm bảo môi trường thông thoáng, minh bạch để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội ở địa phương.Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tiếp tục được UBND tỉnh tăng cường, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức đánh giá, chấm điểm để xác định chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Nhiều quy trình, thủ tục hành chính đã được rà soát, đơn giản và công khai hóa, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, hạn chế phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc giao dịch hành chính đối với các cơ quan nhà nước. Cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" được nâng dần chất lượng hoạt động, nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân khi đến giải quyết các thủ tục hành chính liên quan. Kết quả, tỉnh Ninh Bình tự chấm điểm 58/62 điểm, đạt 93,5%. Sở Nội vụ cũng hoàn thành việc lấy 526 phiếu điều tra xã hội học khảo sát ý kiến của 30 đại biểu HĐND tỉnh, 57 lãnh đạo cấp sở, 9 lãnh đạo cấp huyện, 3 lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, 100 doanh nghiệp và 270 người dân đánh giá tình hình cải cách hành chính của tỉnh theo đúng thời gian quy định. Thực hiện các nhiệm vụ trong Quyết định số 194/QĐ-UBND ngày 23-3-2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tại tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2011-2015, các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước. Trang thông tin điện tử (Website) của các cơ quan, đơn vị hoạt động tốt, tạo điều kiện để tổ chức, công dân liên hệ và tra cứu thông tin.
Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tiếp tục khai thác và sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc (eOffice) trên Server, tăng cường sử dụng mạng cục bộ (LAN), kết nối Internet, cán bộ, công chức, viên chức dùng thư điện tử để trao đổi, xử lý công việc, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, giúp lãnh đạo kiểm tra, kiểm soát công việc được thuận lợi. Toàn tỉnh có 16/36 cơ quan hành chính triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động quản lý và hiện đang hướng dẫn 10 cơ quan hành chính của tỉnh xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008.
Căn cứ quy định của nhà nước và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, Văn phòng UBND tỉnh cũng tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh công bố nhiều thủ tục hành chính mới, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 93 của Thủ tướng Chính phủ, cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tiếp tục được duy trì thực hiện tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp ở địa phương.
Hiện, 100% cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh, 5 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và 3 đơn vị sự nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì cơ chế "một cửa", trong đó có 3 cơ quan tiếp tục làm đầu mối thực hiện cơ chế "một cửa liên thông". 17/17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 8/8 đơn vị hành chính cấp huyện, 145/145 đơn vị cấp xã đã thực hiện cơ chế "một cửa", đạt 100%; trong đó 8 huyện, thành phố, thị xã đã thực hiện mô hình "một cửa" hiện đại.
Về lĩnh vực thực hiện, giải quyết theo cơ chế một cửa tại các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh là 199 lĩnh vực; tại cấp huyện giải quyết từ 4 đến 9 lĩnh vực; tại cấp xã giải quyết từ 3 đến 5 lĩnh vực tùy theo đặc thù của từng địa phương. Cùng với cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông" tiếp tục triển khai thực hiện trong các lĩnh vực: Hộ tịch, thành lập doanh nghiệp, lao động, người có công và xã hội...
Công tác kiểm tra cải cách hành chính được duy trì thường xuyên làm cơ sở cho việc đánh giá đúng thực trạng cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2014, Sở Nội vụ đã tiến hành kiểm tra công tác cải cách hành chính tại 16 đơn vị cấp xã của 8 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tại một số UBND cấp huyện đã xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn quản lý.
Điển hình như UBND huyện Hoa Lư đã tiến hành kiểm tra 11/11 đơn vị cấp xã, UBND huyện Kim Sơn đã tiến hành kiểm tra 10/27 đơn vị cấp xã... Qua kiểm tra, đã kịp thời biểu dương những kết quả đạt được, trực tiếp hướng dẫn, đề xuất các biện pháp khắc phục những mặt còn tồn tại của các đơn vị để triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính tại địa phương trong thời gian tới.
Tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng công tác cải cách hành chính, cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực lao động, người có công tại một số đơn vị cấp xã, đơn vị cấp huyện thực hiện còn chưa đúng theo quy trình quy định. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc tại các cơ quan, đơn vị tuy đã được quan tâm nhưng còn hạn chế, việc trao đổi qua mạng thông tin nội bộ chưa thực sự phát huy được hiệu quả, đặc biệt đối với tuyến xã, phường, thị trấn do trình độ tin học của một số cán bộ chưa tốt, trang thiết bị còn thiếu thốn...
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do lãnh đạo một số cơ quan thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính. Cùng với đó, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ cải cách hành chính còn hạn chế...
Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo hướng dẫn các sở, ban, ngành chuyên môn rà soát, tổng hợp, trình UBND tỉnh công bố các TTHC mới, TTHC được sửa đổi, bổ sung, TTHC bị bãi bỏ, thay thế ở các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, UBND tỉnh chú trọng vào việc rà soát, công bố, công khai các TTHC được sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và cấp xã. Đôn đốc, phối hợp với các đơn vị chủ trì hoàn thành kế hoạch rà soát TTHC được phê duyệt tại Quyết định số 188/QĐ-UBND báo cáo UBND tỉnh phương án đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia thực hiện TTHC nhanh, gọn, tránh hiện tượng nhiêu khê, phiền phức, là rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
UBND tỉnh cũng tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của công tác kiểm soát TTHC. Đồng thời, thông tin rộng rãi về kết quả hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh đảm bảo cho cá nhân, tổ chức tham gia giám sát thực hiện TTHC; đẩy mạnh việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân,góp phần nâng cao sự hiểu biết của người dân và tổ chức về quy định hành chính, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Hạnh Chi