Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc gắn với thực hiện Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Luật Thi đua, khen thưởng và các nội dung thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, hàng năm, UBND tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng. Do vậy, công tác chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào thực chất và đạt hiệu quả cao.
Những năm gần đây, ngay từ đầu năm, Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương và các Khối thi đua tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực.
Trọng tâm là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp gắn với thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động như: "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới"; "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển"; "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau"; phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở", "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" gắn với phong trào thi đua "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"…
Từ đó, nhiều phong trào thi đua tiếp tục được phát huy, với quy mô, hình thức tổ chức phong phú, nội dung thiết thực, được triển khai đồng bộ và sâu rộng ở các ngành, các cấp, các đơn vị, góp phần huy động được nhiều nguồn lực xã hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân.
Hưởng ứng các phong trào thi đua do tỉnh phát động và căn cứ vào tình hình thực tiễn, các cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành, các địa phương đã phát động rộng khắp, sôi nổi thể hiện thông qua hàng loạt các phong trào như: phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" của các cấp công đoàn; Hội Phụ nữ với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"; Hội CCB với phong trào "Cựu chiến binh gương mẫu, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ"; Hội Nông dân phát động thi đua "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi"; Đoàn thanh niên với phong trào "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc", "4 đồng hành với thanh niên lập nghiệp"…
Các phong trào thi đua trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nội chính như: "Thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"…
Thực hiện phong trào thi đua, các địa phương đã coi trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, chú trọng công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất, tăng thu nhập cho người dân…, qua đó đã tạo sức lan tỏa và động lực mạnh mẽ để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Nổi bật là: Kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2021, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đạt 49,1%; Du lịch - dịch vụ 39%; nông, lâm nghiệp, thủy sản còn 11,9%. Riêng năm 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 5,71%. Thu nhập quân đầu người đạt 71,5 triệu đồng, gấp 85 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.
Thu ngân sách đạt trên 22 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 14 trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước, trong đó số thu nội địa đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố, tăng trên 550 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2021 gấp 563 lần năm 1992 với tổng số tiền đạt trên 26.800 tỷ đồng.
Năm 2022, Ninh Bình trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách, đây là thành quả bền bỉ của nhiều nhiệm kỳ Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Ninh Bình. Du lịch tiếp tục có bước phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Văn hóa, xã hội phát triển mạnh mẽ. 5 năm gần đây, Ninh Bình luôn xếp thứ 3 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT; là tỉnh thứ 3 trong cả nước về công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ. Những năm gần đây, Ninh Bình còn có sự phát triển vượt bậc trong hội nhập kinh tế số, là tỉnh đứng thứ 8 toàn quốc về chuyển đổi số.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và đạt những kết quả quan trọng: Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận thành phố Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020; công nhận huyện Nho Quan đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trong quá trình triển khai các phong trào thi đua, UBND tỉnh đặc biệt chú trọng chỉ đạo các địa phương, các ngành quan tâm xây dựng và lựa chọn những tập thể, cá nhân tiêu biểu trên từng lĩnh vực để tuyên truyền, biểu dương, nêu gương học tập.
Việc khen thưởng đảm bảo đúng điều kiện, tiêu chuẩn; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua của tỉnh, đặc biệt đã chú trọng khen cho người lao động.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Cờ thi đua cho 16 tập thể và tặng Bằng khen cho 37 tập thể, 27 cá nhân; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương các hạng cho 16 tập thể, 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của tỉnh năm 2021. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã tặng 108 Cờ thi đua xuất sắc; 203 danh hiệu "Tập thể Lao động xuất sắc", 57 danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh" và tặng Bằng khen cho 716 tập thể, 1.649 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của tỉnh (trong đó 1.045 cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, chiếm 63,3%; 604 cá nhân là lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị, chiếm 36,7%).
Nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước đã được lan tỏa trong cộng đồng cả trên diện rộng và chiều sâu.
Có thể nói phong trào thi đua yêu nước đã, đang tác động tích cực đến nhận thức và hành động của mỗi cấp, ngành, địa phương cho đến mỗi người dân.
Để công tác thi đua khen thưởng tiếp tục phát huy vai trò hiệu quả, thời gian tới, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy công tác thi đua - khen thưởng; tổ chức các phong trào thi đua phù hợp, gắn với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.
Trong đó tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai 5 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động theo quy định; tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức phong trào thi đua gắn với việc đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới, mô hình mới và phải thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện - Bồi dưỡng - Tổng kết - Nhân điển hình tiên tiến. Gắn kết chặt chẽ kết quả thực hiện phong trào thi đua với công tác khen thưởng, chú trọng đến người lao động trực tiếp, bảo đảm khen thưởng chính xác, công khai, công bằng và kịp thời.
Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động, kiểm tra, giám sát của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các Khối thi đua; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng của bộ máy và cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới…
Dương Thị Thanh
Trưởng Ban Thi đua khen thưởng (Sở Nội vụ)