Ngô Quang Huy tâm sự, trước đây anh làm công nhân kỹ thuật ở một nhà máy xi măng nhưng do đam mê làm nông nghiệp nên năm 2017 anh đã nghỉ việc về nhà nuôi tôm. Sau 2 năm, việc nuôi tôm đi vào quỹ đạo, có nhiều thời gian rảnh rỗi, nhận thấy nhu cầu sử dụng rơm ngày càng cao, anh lại bỏ công vào miền Nam để tìm hiểu xem ở đó nông dân họ xử lý rơm rạ sau thu hoạch như thế nào? Loại máy cuốn rơm nào tốt? Loại nào phù hợp với đồng đất ngoài Bắc? Việc tiêu thụ sản phẩm rơm cuộn ra sao?...
"Nhu cầu sử dụng rơm rạ trong trồng trọt, chăn nuôi ngày càng tăng và ở các tỉnh phía Nam, nhiều hộ nông dân đầu tư máy cuốn rơm để làm dịch vụ thu tiền triệu mỗi ngày. Rơm quý như vàng vậy mà nông dân mình thu hoạch lúa xong là đốt rơm rạ, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Không đắn đo, tôi quyết định đặt mua luôn một chiếc máy cuốn rơm do chính nông dân trong đó sản xuất rồi vận chuyển ra Bắc. Phải thu gom rơm ngay trong vụ thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019 này", Ngô Quang Huy cho biết.
Chúng tôi theo chân anh Ngô Quang Huy ra khu đồng lúa ở xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh để tận mắt xem hoạt động của chiếc máy cuốn rơm. Chỉ với 2 người, một người điều khiển xe và một người xếp rơm, khi máy gặt đập liên hợp đi qua, để lại phía sau là những luống rơm vàng trải dài trên các cánh đồng thì máy cuốn rơm chạy phía sau, cuốn gọn những cuộn rơm vàng ruộm.
Người công nhân lái máy chia sẻ: Chiếc máy hiệu Phan Tấn này vận hành khá dễ dàng. Máy chạy bằng xích nên hoạt động được cả trên sình lầy và nhiều địa hình khác. Nếu thời tiết nắng ráo, mỗi ngày anh có thể cuốn được trên 4 ha ruộng, tương đương với khoảng 500 cuộn rơm. Trung bình mỗi cuộn nặng khoảng 12-15 kg. Làm rơm khá cực, dầm mưa, dãi nắng nhưng được cái có thu nhập cao.
Được biết, hiện nay, Ngô Quang Huy đang xuất bán rơm cho Công ty bò sữa Mộc Châu, Công ty Bò thịt sữa Yên Phú và một số hộ sản xuất nấm khác trên địa bàn. Giá bán 1 cuộn rơm tại chân ruộng là 25 nghìn đồng, tương đương với doanh thu hơn 12 triệu đồng/ngày.
"Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư thêm một chiếc máy cuốn rơm nữa, đồng thời mua thêm một chiếc máy ép rơm để thu nhỏ kích thước cuộn rơm hơn nữa để thuận tiện cho việc cất trữ cũng như vận chuyển" - Ngô Quang Huy chia sẻ về dự định của mình.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho bản thân, việc đầu tư máy cuốn rơm của Ngô Quang Huy còn giúp bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Do vậy, tỉnh cũng như các địa phương nên tạo điều kiện về mặt cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn để khuyến khích phát triển loại hình dịch vụ này.
Bài, ảnh: Hà Phương