Chúng tôi về Thạch Bình vào một ngày nắng hiếm hoi của mùa đông. Những vệt nắng cuối mùa vẫn đủ để soi rọi làm nổi bật lên gam màu rực rỡ của cúc, hồng, lay ơn…giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Còn hai tuần nữa là Tết, làng hoa đã bắt đầu những ngày nhộn nhịp nhất trong năm. Dù thời tiết giá lạnh nhưng trên những cánh đồng hoa, mọi người vẫn đang tất bật tưới nước, tỉa lá, bắt sâu, hãm cành…để có những khóm cây cảnh, đóa hoa đẹp nhất phục vụ nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng.
Anh Vũ Văn Sáu, thôn Đồi Dài là một trong những người có thâm niên trồng hoa cúc. Với 2 sào vườn, mỗi vụ hoa cúc đem lại cho gia đình anh thu nhập từ 20-25 triệu đồng. Anh Sáu cho biết: Thời gian trồng mỗi vụ hoa cúc khoảng 3 tháng. Thông thường vào cuối tháng 9 âm lịch, nông dân trong xã bắt đầu xuống giống trồng hoa để đón Tết Nguyên đán. Năm nay gia đình đưa vào trồng một số giống cúc mới có giá trị như sen, chi xanh, chi đỏ, pha lê, cờ đỏ, tuyết. Hiện nay đã có nhiều chủ hàng ở Xuân Mai, Hòa Bình, Hà Đông (Hà Nội) đến đặt mua.
Người trồng hoa thành bại thế nào phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Vụ hoa năm nay, thời tiết thất thường, giá lạnh kéo dài khiến nhiều bà con trồng hoa ở đây hết sức lo lắng. Bà Bùi Thị Chắt, thôn Lải cho biết: Như mọi năm, khoảng 24-25 tháng chạp là có hoa để xuất hàng nhưng nếu trời tiếp tục giá rét thì cúc sẽ không chịu nở và hồng cũng không thể ra mầm. Bà Chắt ước tính năm nay cúc chỉ thu được 50%, còn lay ơn thì chỉ có 20% nở đúng Tết. Nhiều hộ trồng hoa ở Thạch Bình cho biết: Do thời tiết rét đậm kéo dài nên phải tích cực bón thêm phân lân cộng với phân bón lá để cây đạt chiều cao tiêu chuẩn, hoa nở đẹp và đúng thời điểm.
Nhân dân xã Thạch Bình gần như sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Từ những khó khăn về thiếu đất trồng lúa, xã xác định thế mạnh là sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp. Trên tinh thần đó, UBND xã tập trung mũi nhọn vào kinh tế vườn đồi, trong đó trồng hoa cũng là một hướng đi được chính quyền xã quan tâm. Đặc điểm khí hậu và đất đai ở đây phù hợp với các loại hoa như hồng, cúc, lay ơn...Diện tích trồng hoa các loại của xã hiện nay đạt khoảng 5 ha, tập trung ở các thôn Lải, Đồi Dài, Lạc Bình 1, Vệ Chùa. Sản phẩm hoa của Thạch Bình giờ đây đã có tiếng và được tiêu thụ rộng rãi ở trong tỉnh cũng như các tỉnh bạn như Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Nội…
Ông Trần Văn Tuân, Trưởng thôn Đồi Dài cho biết: Là thôn đầu tiên đưa cây hoa vào trồng trên đất "đồng rừng" này. Hiện nay thôn Đồi Dài có 70/109 hộ tham gia trồng hoa với diện tích gần 1 ha. Tuy trình độ kỹ thuật thâm canh chưa thể bằng các vùng chuyên canh hoa nổi tiếng khác nhưng vùng hoa Thạch Bình cũng đã bước đầu có chỗ đứng trên thị trường. Nhờ có nghề trồng hoa, đời sống của nhân dân trong thôn được nâng lên rõ rệt. Mỗi dịp Tết, các gia đình tham gia trồng hoa thu về từ 8-10 triệu đồng/sào. Với sự chuẩn bị chu đáo, chắc chắn vụ hoa Tết năm nay sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Bài, ảnh: Hà Phương