Năm 2010, xã Quảng Lạc mở một số lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, anh Bằng về tham gia lớp học trồng nấm. Sở dĩ anh chọn học nghề trồng nấm vì nghề này chi phí đầu tư thấp, có cán bộ kỹ thuật tư vấn, thị trường tiêu thụ sản phẩm lại rộng... Hoàn thành khóa học, anh Bằng dựng lán để trồng nấm. Thời gian đầu, anh chỉ trồng một loại nấm sò. Đến nay, nấm đã bắt đầu cho thu hoạch với số lượng hơn 40 kg/ngày. Với giá 10.000 đồng/kg, mỗi ngày gia đình anh thu được 400.000 đồng từ nấm. Đặc biệt, anh không phải lo tìm đầu ra bởi đã có doanh nghiệp trên thành phố tìm về tận nơi thu mua. Sản xuất có lãi, nhìn thấy rõ lợi ích, gia đình anh Bằng mở rộng diện tích trồng nấm và đưa vào trồng thêm nhiều loại nấm khác như nấm mỡ, nấm rơm. Anh phấn khởi nói: Những tưởng học nghề chỉ để cho…có nghề, ai ngờ cái nghề ấy đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, có cơ hội vươn lên làm giàu. Tết năm nay, thực sự là một cái tết ấm no và hạnh phúc đối với gia đình tôi.
Niềm vui của gia đình anh Bằng là niềm vui chung của rất nhiều lao động nông thôn tại tỉnh ta - những người thực sự đã biết tận dụng để được hưởng lợi từ "cơ hội vàng" mà Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đem lại.
Mục tiêu của Đề án là mỗi năm đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Nhận thức được tầm quan trọng ấy, tỉnh ta đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 1956 trên địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo, đối tượng được thụ hưởng, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2020. Khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của 760 doanh nghiệp lớn trên địa bàn và toàn bộ năng lực dạy nghề của 53 cơ sở dạy nghề. Đây chính là cơ sở quan trọng để xây dựng Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của tỉnh Ninh Bình.
Trong năm, UBND tỉnh cũng đã phân bổ hơn 22 tỷ đồng để nâng cao chất lượng công tác dạy nghề. Nguồn vốn này tập trung cho các cơ sở dạy nghề, các địa phương để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, xã nghèo của tỉnh. Cùng lúc, tỉnh tập trung xây dựng Trường trung cấp nghề Nho Quan với nguồn kinh phí được phê duyệt là 75 tỷ đồng... Hiện, Trung tâm dạy nghề Hoa Lư, Gia Viễn cũng đang được khẩn trương xây dựng. Trung tâm dạy nghề Kim Sơn, thị xã Tam Điệp, Yên Mô được đầu tư mua sắm thiết bị dạy nghề và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm dạy nghề Yên Mô, Yên Khánh.
Năm 2011, toàn tỉnh đã thực hiện đào tạo nghề cho 16.000 lượt lao động. Trong đó đào tạo dài hạn tại các trường trung cấp và cao đẳng là 4.000 lượt người, đào tạo ngắn hạn là 12.000 lượt người (dạy nghề cho lao động nông thôn, thanh niên là 6.000 người, 6.000 người còn lại được dạy dưới các hình thức khuyến nông, khuyến công, chuyển giao kỹ thuật…). Qua khảo sát cho thấy, các nghề đào tạo đã bám sát được nhu cầu của thị trường, một số doanh nghiệp, đơn vị đã quan tâm, chú trọng hơn đến công tác tạo việc làm cho học viên sau khi kết thúc khóa học. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt từ 70-80%.
Những kết quả đạt được cho thấy, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn do tỉnh ta đang đi đúng hướng, hứa hẹn sẽ đạt mục tiêu phấn đấu bình quân mỗi năm tuyển sinh, đào tạo cho khoảng 17.000 lượt người, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đến năm 2015 đạt 40% và đến năm 2020 đạt 55%. Quan trọng hơn là đảm bảo giai đoạn 2011-2015 có 70-80% và giai đoạn 2015-2020 có 80-90% số lao động học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm.
Thu Hằng