Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, các địa phương gặp nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động sau thu hồi đất. Đối với thành phố Ninh Bình, vấn đề này được giải quyết như thế nào, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Đức Tín, Trưởng phòng Lao động, thương binh - xã hội thành phố.
Phóng viên (P.V): Với tư cách là cơ quan tham mưu giúp việc cho thành phố Ninh Bình trên lĩnh vực lao động - việc làm, xin đồng chí cho biết tình hình việc làm sau khi thu hồi đất phục vụ việc xây dựng các khu đô thị, dự án phát triển kinh tế trên địa bàn?
Đồng chí Vũ Đức Tín (Đ/c V.Đ.T): Thành phố Ninh Bình hiện có 27.908 hộ, 105.482 khẩu, với 11 phường, 3 xã. Trong 3 năm, từ 2006 đến nay, thành phố đã thu hồi 8.768.162 m2 đất, với 12.150 người dân bị ảnh hưởng. Thành phố cũng đã chi trên 30 tỷ đồng giúp người dân chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm. Qua khảo sát, trong số những người dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất có 8.755 người trong độ tuổi lao động, 2.651 người đã qua đào tạo nghề. Số lao động đã có việc làm là trên 5.000 người, còn lại là người cần hỗ trợ giải quyết việc làm. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở thành phố Ninh Bình còn thấp và số người chưa có việc làm ổn định còn cao.
P.V: Vậy thành phố Ninh Bình đã có giải pháp gì để giải quyết việc làm cho đối tượng này?
Đ/c V.Đ.T: Dạy nghề và giải quyết việc làm cho người dân diện thu hồi đất là vấn đề quan tâm đặc biệt của thành phố. 3 năm qua, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ trên diện tích đất thu hồi, thành phố còn xây dựng cơ chế thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp mở mang sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động. Một số doanh nghiệp có sức thu hút lao động mạnh như: Công ty TNHH Ninh Khánh, Công ty may Thịnh Nguyên, Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Đông Thành, Công ty TNHH giấy Tiến Dũng… Năm 2007, Trung tâm dạy nghề thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các lớp dạy nghề khâu chăn bông, đan bèo bồng, đan cói, cắt may cho khoảng 400 lao động. Năm 2008, Trung tâm tiếp tục mở lớp chế tác đá mỹ nghệ, lớp hàn điện cho gần 60 lao động, dạy nghề truyền thống cho trên 700 lao động. Các hội, đoàn thể như nông dân, phụ nữ, thanh niên cũng vào cuộc bằng cách phối hợp với doanh nghiệp mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, giúp nông dân tiếp cận với KHKT, áp dụng vào quá trình chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện đời sống.
P.V: Vấn đề lao động - việc làm của thành phố hiện gặp khó khăn gì?
Đ/c V.Đ.T: Qua theo dõi, đến nay đã có 1.777 người có nhu cầu hỗ trợ nghề đã được giải quyết, chiếm tỷ lệ 55,02%. Có 5.090 người đã được hỗ trợ giải quyết việc làm, chiếm tỷ lệ 69,06%. Trong đó, lao động đã được cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn giải quyết việc làm là 760 người, địa phương tạo việc làm là 437 người, đi xuất khẩu lao động là 50 người, tự tìm việc làm là 3.843 người, số lao động cần tiếp tục hỗ trợ việc làm là 2.280 người. Cái khó trong quá trình giải quyết vấn đề lao động - việc làm ở thành phố thời gian qua là sức thu hút lao động của doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn chế, số doanh nghiệp có qui mô lớn, giải quyết được hàng trăm lao động còn ít, thu nhập bình quân cho người lao động còn thấp, khoảng trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng, khiến nhiều người không mặn mà với doanh nghiệp, họ đi tìm những công việc khác tuy vất vả nhưng ngày công cao hơn như: Đi xây, phụ hồ, đội đá… P.V: Thời gian tới, thành phố có giải pháp gì để giải quyết tốt bài toán lao động - việc làm?
Đ/c V.Đ.T: Bên cạnh việc có cơ chế phù hợp kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục vào đầu tư ở thành phố, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội và tạo thêm việc làm cho nhân dân, thành phố sẽ quan tâm hơn đến công tác dạy nghề, tập trung trên các lĩnh vực: dịch vụ thương mại, làm hàng thủ công mỹ nghệ, xuất khẩu, dịch vụ du lịch… Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo mức thu nhập ổn định theo từng giai đoạn. Thành phố cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo nghề, kịp thời động viên, khen thưởng những đơn vị làm tốt, tạo điều kiện giúp người dân có cơ hội được học nghề, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hà Trang (Thực hiện)