Mô hình dễ làm, thu nhập khá Tại xã Khánh Vân (huyện Yên Khánh), ông Trần Văn Tư nổi tiếng khắp vùng nhờ những thành công trong việc sản xuất và kinh doanh nấm. Khởi nghiệp từ sản xuất nấm sò với vài chục m2 lán trại hơn 10 năm trước, đến nay ông Tư đã sở hữu một hệ thống sản xuất nấm quy mô, diện tích trên 2.000 m2, hàng năm cung cấp ra thị trường gần 40 tấn nấm các loại. Ông Tư chia sẻ: Hiện nay ở tỉnh ta, nông nghiệp vẫn là chính nên các nguyên liệu để trồng nấm như rơm rạ, bã mía, thân, lõi ngô, mùn cưa rất sẵn…
Do đó việc phát triển nghề trồng nấm mang rất nhiều ý nghĩa, không những tận dụng được phế phẩm nông nghiệp, dọn sạch đồng ruộng mà còn mang lại lợi ích kinh tế lớn. Như gia đình tôi một năm tổng thu nhập từ nấm cũng ngót 1 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Quang, chủ một trại nấm ở xã Khánh An (Yên Khánh) cho biết thêm: "Vốn đầu tư cho trồng nấm không nhiều, kỹ thuật cũng không quá phức tạp, ai cũng có thể làm được. Nấm lại có thời gian sinh trưởng ngắn nên chỉ sau hơn 30 ngày trồng là có sản phẩm thu hoạch.
Đặc biệt người tiêu dùng hiện nay rất ưa chuộng các sản phẩm từ nấm, ngay tại trang trại của gia đình nấm tươi nhiều lúc không đủ cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Trung tâm Thông tin và ứng dụng KHCN (Sở Khoa học-Công nghệ Ninh Bình) khẳng định, tiềm năng phát triển nghề nấm ở tỉnh ta rất lớn, thứ nhất đó là bản thân lợi ích to lớn của việc trồng nấm. Làm nấm tận dụng được nguyên liệu phụ, tận dụng nhân lực nhàn rỗi, tạo được sản phẩm sạch cho tiêu dùng và xuất khẩu, nâng cao giá trị nông nghiệp.
Chi phí đầu trồng nấm tư thấp, không tốn nhiều đất, quay vòng nhanh, ít rủi ro nhưng lại cho thu nhập và lợi nhuận cao. Với mức đầu tư ban đầu khoảng 10 triệu đồng và 100m2 đất để làm lán trại, có thể giải quyết việc làm ổn định cho một lao động chuyên trồng nấm với mức thu nhập 1,5-2 triệu đồng/tháng.
Thứ hai, khí hậu thời tiết có thể trồng nấm quanh năm, cả loại ưa nhiệt độ thấp (nấm mỡ) lẫn loại ưa nhiệt độ cao (nấm rơm), chủng loại có thể đạt từ 7-10 loại. Bên cạnh đó nguyên liệu trồng nấm ở Ninh Bình rất sẵn, nhiều, rẻ và hiện còn bỏ phí, nhất là rơm rạ.
Đặc biệt, việc tiếp nhận khoa học, công nghệ nước ngoài cùng với kết quả nghiên cứu trong nước hiện nay cho phép chúng ta có một bộ giống nấm tốt, năng suất cao, phù hợp từng vùng, từng vụ, có thể làm chủ được về sản xuất giống và công nghệ trồng nấm. Công nghệ này không phức tạp, không tốn kém, được chuyển giao thuận lợi qua hệ thống khuyến nông.
Nhu cầu ngày càng lớn
Theo số liệu thống kê của Hội ngành nghề nấm Ninh Bình, nghề trồng nấm ở tỉnh ta đã có những bước phát triển khá nhanh về số lượng và quy mô: Năm 2002 chỉ có 200 hộ tham gia trồng nấm đến nay con số này đã lên tới 3.000 hộ.
Người dân bắt đầu có niềm tin vào nghề trồng nấm và đang chuyển hướng mạnh mẽ sang sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn. Sản lượng nấm các loại năm 2014 đạt khoảng 5 nghìn tấn, trong đó nấm sò, mộc nhĩ và nấm rơm… chiếm khoảng 70- 80%, còn lại là nấm dược liệu.
Thị trường tiêu thụ nấm ngày càng được mở rộng trong và ngoài tỉnh, là điều kiện quyết định cho phát triển sản xuất ở Ninh Bình. Thói quen sử dụng nấm như một thực phẩm hàng ngày trong bữa cơm gia đình đã và đang hình thành khá tốt trong cộng đồng dân cư.
Nhờ vậy, giá bán các loại nấm tươi như nấm sò, nấm mỡ, nấm mèo, nấm hương... luôn dao động ở mức cao, từ 30.000 đến 70.000 đồng/kg. Là người nội trợ thường xuyên chế biến các món ăn từ nấm, chị Nguyễn Thị Thanh, tổ 9, phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp cho biết: "Hiện nay vấn đề an toàn thực phẩm trong mỗi bữa ăn được gia đình đặt lên hàng đầu, do vậy tôi thường xuyên lựa chọn các sản phẩm từ nấm, đặc biệt là các loại nấm tươi sản xuất trong nước vì tôi được biết nấm là một loại thực phẩm sạch, tuyệt đối an toàn, nhiều dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe. Các món ăn từ nấm cũng rất phong phú, dễ chế biến và ngon miệng".
Về hàm lượng các chất dinh dưỡng trong nấm ăn, chị Nguyễn Thị Trâm, cán bộ Trung tâm Thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ, (Sở Khoa học-Công nghệ) cho biết: Ngoài giá trị dinh dưỡng (giàu protein, glucid, lipid, các axit amin, vitamin, khoáng chất…, trong nấm còn có các hoạt tính sinh học (các chất đa đường, axit nucleic..) nên nấm được coi là "rau sạch", "thịt sạch" và là "thực phẩm thuốc".
Vì những giá trị dinh dưỡng từ nấm nên nhu cầu ăn nấm của nhân dân đang ngày càng tăng. Mặt khác, Ninh Bình đang trong thời kỳ kinh tế phát triển nhanh, nhiều dự án được triển khai thu hút lực lượng lớn lao động, chắc chắn thị trường tiêu thụ nấm ăn trong thời gian tới sẽ tăng nhanh.
Tăng cường khâu quảng bá và phân phối
Lợi ích, tiềm năng của nghề trồng nấm đã được khẳng định, tuy nhiên thực tế hiện nay quy mô, giá trị của nghề này còn thấp, sản xuất mang tính tự phát là chính. Mặc dù số lượng các tác nhân tham gia ngành hàng nấm của Ninh Bình khá đa dạng, nhưng sản phẩm chính trong các kênh phân phối vẫn là nấm tươi (nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ) và mộc nhĩ khô, linh chi, nấm hương.
Riêng đối với nấm mộc nhĩ và linh chi là sản phẩm đặc thù chủ yếu được tiêu thụ ở dạng khô (qua phơi nắng hoặc sấy). Số lượng sản phẩm nấm còn ít và đang yếu trong vấn đề bảo quản, chế biến. Đây là hạn chế lớn nhất làm cho chuỗi giá trị tham gia thị trường không phong phú.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều bà nội trợ cho biết: Biết là nấm ăn rất tốt cho sức khỏe nhưng nấm tươi bán ở các chợ đa phần đều không được bao gói cẩn thận, không được bảo quản lạnh nên chất lượng đã bị ảnh hưởng phần nào.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề tiêu thụ, thời gian qua Sở Khoa học-Công nghệ Ninh Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nấm qua nhiều kênh thông tin để tuyên truyền rộng rãi về các thông tin thị trường, thông tin về chính sách hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nấm,... cũng như các thông tin cần thiết khác với mục đích hướng dẫn, giúp đỡ người sản xuất nấm nắm rõ kỹ thuật, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từng bước tiếp cận thị trường, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nấm.
Ngoài ra, Sở còn triển khai thử nghiệm gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của KHCN, trong đó có các sản phẩm từ nấm tại thành phố Ninh Bình.
Ông Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu, chuyển giao KHKT về nấm nhằm hiện đại hóa kỹ thuật trồng nấm, giúp bà con mở rộng quy mô sản xuất để có được sản lượng hàng hóa lớn. Xúc tiến việc xây dựng thương hiệu nấm Ninh Bình.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết về giá trị dinh dưỡng của nấm, từ đó có thói quen sử dụng nấm như một món hàng ngày, tăng cường hệ thống phân phối để người trồng nấm yên tâm mở rộng sản xuất.
Bài, ảnh: Hà Phương