10 tuổi, bé Trương Thị Mỹ Hoa, ở xóm Đông, xã Trường Yên, (huyện Hoa Lư) gầy guộc, nhỏ thó. Bố em mất sớm, mẹ em vừa mất cách đây chừng một tháng vì bạo bệnh, khiến 3 chị em Hoa trở thành những đứa trẻ mồ côi. Cuộc sống của 3 đứa trẻ thiếu vắng cha mẹ thực sự khó khăn. Các em sống cùng bà ngoại cũng đã già yếu, không có nguồn thu nhập.
Không thể mang lại cho chúng những thứ mà chúng nhớ da diết từ thẳm sâu tâm hồn, những thành viên của CLB xe đạp Cố đô đã có một cách bù đắp khác - đó là tổ chức đến thăm, tặng sữa và đặc biệt là đã trao tặng cho hai chị em chiếc xe đạp mới và một sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng.
Quá bất ngờ và xúc động khi nhận được món quà, bé Trương Thị Mỹ Hoa xúc động nói: Cháu vẫn thường chở em đi học bằng chiếc xe cũ, những khi xe hỏng thì lại dắt nhau đi bộ. Nhà cháu nghèo lắm, bố mất sớm, mẹ làm nghề may nên cũng không có nhiều tiền, vì vậy, dù rất thích nhưng chưa bao giờ cháu dám xin mẹ mua cho một chiếc xe đạp. Bây giờ có xe đạp mới thế này, cháu chở em đi học sẽ thuận lợi hơn.
Anh Đoàn Mạnh Thắng, Chủ nhiệm CLB xe đạp Cố đô chia sẻ, những năm qua, CLB đã có nhiều hoạt động để chia sẻ và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, trong đó luôn quan tâm đặc biệt đến những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Câu chuyện xúc động về ba đứa trẻ mồ côi ở xóm Đông, xã Trường Yên thực sự đã chạm đến lòng trắc ẩn của các thành viên trong và ngoài CLB.
Sau 3 tuần vận động, các thành viên trong CLB xe đạp trong và ngoài tỉnh đã chung tay đóng góp được 20 triệu đồng và một chiếc xe đạp để trao tặng cho các cháu. Khoản tiền ấy chưa phải là nhiều, song hy vọng sẽ cùng với những nhà hảo tâm, chính quyền các cấp chia sẻ phần nào những khó khăn trong cuộc sống trước mắt của bốn bà cháu.
Ông Hoàng Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên chia sẻ, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, Trường Yên rất quan tâm tới công tác xã hội hóa chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2019, xã đã huy động được gần 500 triệu đồng, đóng góp vào quỹ an sinh xã hội. Từ nguồn quỹ này, xã đã trích hỗ trợ 6 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây mới, sửa chữa nhà ở.
Trong các chương trình, kế hoạch hỗ trợ, xã luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, ví như gia đình 3 cháu bé mồ côi. Các cháu được miễn giảm học phí, được các nhà trường quan tâm tặng sách vở, quần áo, đồ dùng học tập trước thềm năm học mới, giáo viên dành thời gian để phụ đạo, giúp đỡ các cháu củng cố kiến thức… tuy vậy, chặng đường để hỗ trợ các cháu thực hiện ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn vẫn còn dài và gian khó. Chúng tôi rất mong nhận được sự đồng hành, tiếp sức của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, toàn tỉnh có gần 140 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ và 45 trẻ em bị bỏ rơi, có gần 3.000 trẻ em khuyết tật. Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh luôn nỗ lực nhằm tạo sự bình đẳng giữa trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số với mặt bằng trẻ em nói chung về cơ hội phát triển và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em...
Hoạt động chăm lo cho trẻ em nghèo còn được các cấp, các ngành trong tỉnh lồng ghép vào các sự kiện văn hóa quan trọng, góp phần lan tỏa rộng rãi các hành động đẹp trong cộng đồng. Ngoài ra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng tổ chức nhiều diễn đàn dành riêng cho các đối tượng là trẻ em các xã vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn nhằm cung cấp cho các em các kiến thức về quyền, bổn phận của trẻ em; những việc trẻ em không được làm; kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em.
Ngành Lao động cũng phối hợp với Huyện đoàn, phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện tổ chức tư vấn cộng đồng và diễn đàn với trẻ em nhằm cung cấp cho cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ em các kiến thức về Luật Trẻ em, kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích, phòng tránh xâm hại, bạo lực cho trẻ em.
Phối hợp với Phòng Y tế huyện chỉ đạo tổ chức tốt "Ngày vi chất dinh dưỡng" cho trẻ em, đảm bảo 100% trẻ em dưới 36 tháng tuổi được uống Vitamin A đầy đủ, đồng thời phổ biến các kiến thức phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em cho các bậc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ. Tổ chức khám cho gần 23.000 lượt trẻ em dưới 15 tuổi và 4.500 lượt trẻ em điều trị nội trú tại các bệnh viện, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số.
Đội ngũ cộng tác viên ở các xã điểm triển khai thực hiện mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng thường xuyên tới thăm, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, qua đó cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ chăm sóc trẻ em cho các bậc cha mẹ và cung cấp kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em.
Công tác chăm sóc, giúp đỡ trẻ em khuyết tật được quan tâm triển khai thực hiện. Các địa phương trong tỉnh rà soát, lập danh sách trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ em khuyết tật vận động, trẻ em sứt môi - hở vòm họng có nhu cầu phẫu thuật đề nghị Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, tổ chức SAP - VN hỗ trợ kinh phí phẫu thuật.
Trong năm, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức khám sàng lọc, hội chẩn và tư vấn bệnh lý tim mạch cho trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó chỉ định phẫu thuật là 22 em, giúp các em có được sức khỏe tốt để sinh hoạt, học tập bình thường như những trẻ em khác.
Bài, ảnh: Đào Hằng