Tính đến tháng 8/2014, trên địa bàn tỉnh có 849 trang trại, gia trại; trong đó có 208 trang tại đạt tiêu chí theo thông tư 27, 641 gia trại; có 79 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận. Trang trại, gia trại chăn nuôi có 54,58%; trang trại, gia trại trồng trọt chiếm 7,29%; còn lại là trang trại, gia trại tổng hợp. Huyện Nho quan có 45 trang trại, 188 gia trại; Gia Viễn có 31 trang trại, 186 gia trại; Hoa Lư có 6 trang trại, 35 gia trại; Yên Khánh có 45 trang trại, 42 gia trại; Kim Sơn có 17 trang trại, 70 gia trại; Yên Mô có 28 trang trại, 13 gia trại; TX Tam Điệp có 32 trang trại, 107 gia trại; TP Ninh Bình có 4 trang trại. Tổng giá trị sản xuất năm 2013 của các trang trại, gia trại đạt 645 tỷ đồng, chiếm 8,2% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Nhìn chung từ năm 2011 trở lại đây, kinh tế trang trại đã ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, khai thác được nguồn vốn trong nhân dân, mở mang đất trống đồi trọc, vùng sâu vùng xa; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp…
Khó khăn là: Kinh tế trang trại còn mang tính tự phát, tốc độ phát triển chậm; trình độ năng lực quản lý, tổ chức của các chủ trang trại, gia trại còn hạn chế; chính sách phát triển còn bất cập; trang trại, gia trại còn thiếu vốn để đầu tư, phát triển sản xuất.
Mục tiêu đến năm 2020 là: Tổng giá trị sản xuất của các trang trại, gia trại đạt 1,5 tỷ đồng; thu nhập của người lao động thường xuyên đạt 4-5 triệu đồng; tỷ trọng sản xuất hàng hóa chiếm 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; toàn tỉnh có 450 trang trại, có 5-10 trang trại đưa sản phẩm lên sàn giao dịch…Hội nghị đã dành nhiều thời gian cho các đại biểu tham luận, trong đó tập trung vào các vấn đề: quy hoạch phát triển trang trại; cơ chế, chính sách để kinh tế trang trại phát triển; tháo gỡ khó khăn cho các trang trại…
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Đinh quốc Trị, TVTU, Phó chủ tịch Thường trực phụ trách UBND tỉnh biểu dương ngành nông nghiệp đã chủ động tổ chức hội nghị này và cho rằng: Việc đánh giá tình hình phát triển kinh tế trang trại là cần thiết nhất là khi nông nghiệp đang thực hiện chương trình tái cơ cấu lại ngành. Kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh đang từng bước phát triển cả về số lượng, quy mô, trình độ tổ chức, tiêu thụ sản phẩm..và đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, số lượng, quy mô và hiệu quả của kinh tế trang trại còn khiêm tốn, chính sách phát triển còn nhiều bất cập…
Thời gian tới việc phát triển kinh tế trang trại phải phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phù hợp với chương trình XDNTM với việc nâng cao được giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững; Phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, ngoài việc duy trì các loại cây con truyền thống, nghiên cứu phát triển các loại cây con có giá trị, hiệu quả cao.
Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực phụ trách UBND tỉnh cũng yêu cầu: Ngành nông nghiệp nghiên cứu lại cơ chế, chính sách trong đề án 06 và nên xây dựng một đề án với cơ chế chính sách riêng cho phát triển kinh tế trang trại, gia trại, trong đó chú ý đến cơ chế chính sách hiện hành và nguyện vọng của các chủ trang trại, gia trại; xây dựng các mô hình, chỉ đạo làm điểm, khẩn trương xây dựng và thành lập trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để là nơi ứng dụng KHCN cũng như trình diễn sản xuất; tiếp thu các ý kiến tham gia và phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương về phát triển kinh tế trang trại, gia trại.
Các huyện, thị thành phố đánh giá lại tình hình phát triển của các trang trại, gia trại; giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị, đề nghị của các chủ trang trại, gia trại. UBND tỉnh sẽ chỉ đao các sở KH&ĐT, TN&MT tiếp thu các ý kiến của các trang trại và địa phương nghiên cứu, xem xét giải quyết các thủ tục cho các trang trại, gia trại tiếp cận được các nguồn vốn.
Ngành ngân hàng nghiên cứu và có thể báo cáo Trung ương có cơ chế, chính sách riêng cho trang trại; hướng dẫn chi tiết, cụ thể về chính sách vay vốn hiện tại cho các trang trại, gia trại. Các trang trại, gia trại chủ động, năng động, sáng tạo tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất đảm bảo an sinh xã hội trong vùng.
Đinh Chúc-Minh Đường