Là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và là một trong ba vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 277 hộ có mô hình sản xuất nông nghiệp, trong đó: 61 mô hình chăn nuôi gia súc, 25 mô hình thủy sản, 23 mô hình con nuôi đặc sản, 96 mô hình VAC tổng hợp, 12 mô hình nấm, 9 mô hình trồng trọt, 33 mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả, 17 mô hình lúa cá.
Qua các mô hình đã xuất hiện nhiều tấm gương mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, cho hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ vài trăm triệu đồng/năm trở lên.
Tại hội nghị, lãnh đạo huyện Yên Khánh cũng đã nêu lên những ưu điểm, những mặt còn hạn chế đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp đã triển khai trên địa bàn huyện trong thời gian qua, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm nhân rộng mô hình điển hình trong thời gian tới.
Trong đó, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với địa phương, hướng dẫn, tạo điều kiện phát triển mô hình để nhân ra diện rộng.
Việc xây dựng các mô hình phải đảm bảo các yêu cầu vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm đặc trưng, trong thời gian tới xây dựng mỗi xã có từ 1-2 sản phẩm đạt OCOP.
Xây dựng kế hoạch thực hiện các mô hình sản xuất theo chuỗi, nâng cao chất lượng các sản phẩm. Nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm, căn cứ tình hình thổ nhưỡng của từng địa phương để định hướng xây dựng phát triển nông nghiệp theo vùng sản phẩm đặc trưng có gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm.
Trước đó, các đại biểu đã đi tham quan một số mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trên địa bàn xã Khánh Công và Khánh Thành.
Tin, ảnh: Hồng Nhung