Mô hình được triển khai trên diện tích 1ha của 13 hộ nông dân. Các hộ tham gia mô hình được doanh nghiệp tư nhân Tuyết Lưu đầu tư 100% giống lúa, đồng thời được cán bộ kỹ thuật của Hội nông dân hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Qua kiểm tra thực tế tại mô hình cho thấy, so với ruộng đối chứng được cấy trên cùng một chân đất, điều kiện chăm sóc, mật độ cấy giống lúa Mison 4 thưa hơn giống lúa Khang Dân là 5 khóm/m2, điều đó chứng tỏ giống lúa này có khả năng đẻ nhánh cao hơn so với giống đối chứng.
Số bông của giống Mison 4 đạt 5,5 bông/khóm, số hạt chắc/bông gấp 1,46% giống lúa Khang Dân, hạt cũng chắc và to hơn, năng suất thực tế ước đạt 81 tạ/ha. Bên cạnh đó, giống Mison 4 có khả năng chống chịu tương đối tốt với một số loại sâu bệnh, nhất là sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy nâu…
Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao giống lúa lai cao sản Mison 4, coi đây là giống lúa có tiềm năng đạt năng suất cao trên đồng đất Khánh Thịnh và bước đã đầu được bà con nông dân đón nhận.
Tuy nhiên, đây là giống lúa mới, yêu cầu kỹ thuật cao trong canh tác, vì vậy để việc gieo trồng đạt năng suất cao các hộ nông dân cần lưu ý về quy trình gieo cấy và chăm sóc chủ động điều tiết nước, nhất là giai đoạn lúa đẻ nhánh, quan tâm bón phân hữu cơ tập trung, chăm bón sớm không nên bón rải rác nhiều lần để lúa đẻ nhánh tập trung, chăm bón cân đối lượng đạm, lân, kali….
Từ thành công của mô hình, trong thời gian tới các cấp Hội sẽ tuyên truyền rộng rãi cho nông dân về những ưu điểm của giống lúa cao sản Mison 4, phối hợp với doanh nghiệp Tuyết Lưu tiêp tục xây dựng thêm các mô hình trình diễn, tập huấn kỹ thuật canh tác và khuyến cáo hội viên đưa vào gieo cấy giống lúa Mison 4.
Tin, ảnh: Quốc Khang