Hiện thôn có 132 mẫu đất nông nghiệp, trong 47 mẫu cây đông thì có 25 mẫu được trồng trên đất hai lúa. Các cây trồng vụ đông chủ yếu tập trung vào những cây giống mới cho giá trị kinh tế cao như: lạc, ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây, rau màu các loại… Một số hộ đảng viên trồng nhiều cây vụ đông như gia đình ông Bùi Khắc Phong, Bùi Khoa Sử… trồng từ 5-6 sào cây vụ đông, đạt từ 60-70 triệu đồng trên 1 ha đất canh tác.
Với 340 đảng viên, sinh hoạt ở 20 chi bộ, Đảng bộ xã Yên Thắng xác định, phát triển kinh tế bền vững là nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, với diện tích cấy lúa ổn định của toàn xã là 950 ha, Đảng bộ xã chỉ đạo sản xuất theo hướng hàng hóa với diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao không ngừng được mở rộng ở cả hai vụ sản xuất. Năm 2010, diện tích lúa lai ở vụ đông xuân đạt 85%, lúa chất lượng cao đạt gần 20%, từ đó năng suất, tổng sản lượng, bình quân lương thực đầu người và giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác đều vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 13%; tổng sản lượng lương thực quy thóc bình quân đạt 5.644 tấn/năm; bình quân lương thực đầu người đạt 681 kg/năm; giá trị sản phẩm trên một ha canh tác đạt 61 triệu đồng/năm. Có được kết quả đó được biết, Đảng bộ xã Yên Thắng xác định, không thể áp dụng máy móc một mô hình chung trong phát triển kinh tế ở toàn xã, mà tùy vào điều kiện cụ thể của từng thôn, xóm để có cách phát triển kinh tế phù hợp.
Như ở xóm 4, là xóm có lợi thế với nhiều diện tích ruộng trũng, hồ ao, Đảng bộ xã đã chỉ đạo phát triển mô hình 1 lúa - 1 cá, năm nay đưa vào phát triển theo mô hình mới 2 lúa - 1 cá, bước đầu cho giá trị kinh tế cao hơn, với doanh thu hơn 100 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi gần 80 triệu đồng/ha. Hiện toàn xã có gần 100 ha diện tích ruộng trũng được đưa vào nuôi trồng thủy sản kết hợp cấy lúa, mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn cá, cho giá trị trên 100 triệu đồng/ha/năm. Một số mô hình cây cảnh, chăn nuôi con đặc sản (nhím, hươu) cũng đã bắt đầu được đưa vào nuôi thử cho giá trị kinh tế cao. Các gia đình đảng viên, CCB như Nguyễn Văn Vạn, thôn Vân Du Hạ; Nguyễn Văn Kỳ, thôn Quảng Thượng; Mai Hữu Thuyết, thôn Bình Hào… kết hợp trồng, kinh doanh cây cảnh và chăn nuôi cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Sản xuất công nghiệp - TTCN cũng được Đảng bộ xã Yên Thắng tập trung quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển. Các ngành nghề truyền thống như sản xuất vật liệu xây dựng, nghề mộc, nghề nề, chế biến nông sản… được khuyến khích nên ngày càng phát triển, thu hút nhiều lao động tham gia. Đồng thời phát triển thêm các nghề may công nghiệp, thêu ren cho lao động lúc nông nhàn, bình quân hàng năm tạo việc làm cho trên 200 lao động và gần chục lao động xuất khẩu đi các nước, doanh thu từ ngành nghề, dịch vụ đạt trên 10 tỷ đồng mỗi năm.
Kinh tế ổn định, đời sống người dân không ngừng được nâng cao với hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế… ngày càng hoàn thiện. Xã đã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Năm 2010, 10/15 thôn trong xã có nhà văn hóa, 87% gia đình được công nhận Gia đình văn hóa, 16/20 đơn vị thôn, xóm và cơ quan được công nhận văn hóa cấp tỉnh, huyện, chiếm hơn 80%; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, năm 2010 chỉ còn 5,5%, phấn đấu đến năm 2015 còn 4%...
Bài, ảnh: Hạnh Chi