Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của thành phố là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền cùng các tầng lớp nhân dân thành phố Ninh Bình đã và đang nỗ lực, đoàn kết, nhất trí để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVIII, XIX. Thành phố Ninh Bình là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, đồng thời là trung tâm văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh. Thành phố còn là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ và được xác định là một trong những trung tâm lớn của Quốc gia về du lịch, bao gồm các loại hình chủ yếu là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan danh lam thắng cảnh với các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh…
Đồng thời, trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình đã khẳng định thành phố Ninh Bình là một đô thị có vai trò thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp và du lịch, thương mại không chỉ của tỉnh Ninh Bình mà còn của cả vùng Đồng bằng sông Hồng. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Ninh Bình đã có nhiều cố gắng để từng bước cải thiện, nâng cấp đô thị thông qua việc huy động các nguồn lực, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển đô thị, nhằm đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố, đồng thời để nâng cao vai trò là 1 trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26-10-2011 "Về xây dựng, phát triển thành phố Ninh Bình lên đô thị loại II, hướng tới thành phố du lịch văn minh, hiện đại".
Triển khai thực hiện Nghị quyết, thành phố đã tổ chức khảo sát thực trạng đô thị để xây dựng lộ trình nâng cấp theo tiêu chí đô thị loại II và đầu tư một số công trình tạo điểm nhấn về phát triển đô thị. Chủ động khai thác quỹ đất để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo tiêu chí đô thị loại II. Kết quả, tháng 5-2014, Thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra.
Trở thành đô thị loại II, thành phố Ninh Bình có thêm động lực và nhiều điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực, tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại II. Công tác quản lý, đảm bảo trật tự, chỉnh trang đô thị cũng được quan tâm chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực cho bộ mặt đô thị. Thành phố đã tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết các xã, phường, các khu đô thị mới và các khu chức năng. Thực hiện tốt Đề án đặt, đổi tên đường phố, gắn biển số nhà. Phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh lập Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 7-2014.
Tập trung lập quy hoạch chi tiết các xã, phường, các khu chức năng của thành phố như: Cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề Ninh Phong, Khu dịch vụ du lịch phường Ninh Khánh, các khu dân cư mới phục vụ tái định cư các dự án và giãn dân… Công tác quản lý đất đai được thực hiện chặt chẽ từ việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch đến việc quản lý và sử dụng đất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, khắc phục được tình trạng lấn chiếm đất đai, hạn chế việc tranh chấp đất đai và khiếu kiện trong nhân dân.
Hiện nay, hạ tầng đô thị Ninh Bình được đầu tư nâng cấp, có nhiều đổi mới theo hướng đô thị văn minh, hiện đại. Một số công trình lớn được đầu tư xây dựng tạo điểm nhấn như: dự án kè bờ đông sông Vân, cải tạo hồ Máy Xay, hồ Biển Bạch, cải tạo nâng cấp các tuyến đường nội thành…
Làng hoa Ninh Phúc chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Ảnh: TM
Nhiều công trình phúc lợi công cộng như: đường giao thông, vỉa hè, hệ thống thoát nước, trường học, nhà văn hóa… được đầu tư xây dựng. Công tác quản lý trật tự đô thị và vệ sinh môi trường có chuyển biến tích cực. Các xã, phường trên địa bàn thành phố đã duy trì và thực hiện 40 tuyến đường văn minh đô thị. Tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia xây dựng đô thị. Đến nay, tỷ lệ các tuyến đường giao thông nội thành có vỉa hè đạt tiêu chuẩn đạt trên 80%, trên 90% tuyến đường giao thông nội thành có điện chiếu sáng công cộng, hơn 90% hộ gia đình được dùng nước máy…
Cùng với những chuyển biến trong lĩnh vực xây dựng đô thị, 10 năm qua, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã vận dụng và cụ thể hóa việc thực hiện nghị quyết phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, tạo nên những bước đột phá trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, với chủ trương tạo mọi thuận lợi về cơ chế, chính sách, nguồn vốn, mặt bằng, thành phố đã thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tạo mọi điều kiện để các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh.
Do đó, số doanh nghiệp và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tăng nhanh: năm 2007 có 415 doanh nghiệp và 8.529 hộ sản xuất, kinh doanh, đến năm 2016 trên địa bàn thành phố đã có 1.050 doanh nghiệp và 10.480 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, bình quân trong 10 năm đạt 14,23%. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng định hướng: công nghiệp, xây dựng 65,75%; dịch vụ, thương mại 33,44%; nông nghiệp 0,81%. Thu ngân sách hàng năm đều đạt vượt kế hoạch, năm 2016 ước đạt 726 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 ước đạt 40,38 triệu đồng (năm 2007 là 11,5 triệu đồng/người/năm).
Bên cạnh đó, văn hóa - xã hội có nhiều đổi mới. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… của thành phố luôn dẫn đầu trong tỉnh. Thành phố là đơn vị duy nhất của tỉnh có 100% trường học ở các cấp học đạt chuẩn quốc gia; từ năm 2012 thành phố đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vững chắc, giữ vững chuẩn phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập THCS, chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được duy trì với chất lượng và hiệu quả được nâng lên. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 94,8%, 82,2% tổ dân phố, thôn văn hóa, 91,3% cơ quan, đơn vị văn hóa. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đến nay, toàn thành phố còn 464 hộ nghèo, chiếm 1,37%, có 3/14 xã, phường không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu đạt gần 40%...
Trong niềm vui chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2017), chào xuân mới Đinh Dậu 2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Ninh Bình còn có thêm niềm vui, niềm tự hào được chào đón dấu mốc quan trọng: thành phố tròn 10 năm thành lập (7/2/2007-7/2/2017).
Thành quả 10 năm qua là nỗ lực, cố gắng, sự đoàn kết, nhất trí của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố cùng chung sức, đồng lòng xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại. Đồng thời, đây cũng là cơ hội và thách thức đặt ra để thành phố tiếp tục có các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm tập trung các nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phấn đấu duy trì tiêu chí đô thị loại II, định hướng theo tiêu chí đô thị loại I, hướng tới Thành phố du lịch văn minh, hiện đại.
Để thực hiện tốt quy hoạch phát triển thành phố Ninh Bình xứng tầm là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh-quốc phòng của tỉnh, thời gian tới Đảng bộ và nhân dân thành phố tập trung vào các nhiệm vụ sau: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thực hiện các giải pháp tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng đô thị; chủ động tham mưu cho tỉnh chỉ đạo ban hành cơ chế, chính sách phù hợp.
Đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Để hướng tới thành phố du lịch trong tương lai, thành phố định hướng phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng.
Đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nhằm thu hút khách du lịch, tăng thời gian lưu trú tại địa phương; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm đầu tư hơn nữa đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, phát triển hạ tầng xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, đề cao và xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa của người dân thành phố Ninh Bình, phát huy phẩm chất tốt đẹp của người Tràng An xưa.
Hướng tới một thành phố Ninh Bình không chỉ có kiến trúc đẹp, hiện đại mà còn là một thành phố sáng, xanh, sạch, thân thiện và hiếu khách; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng quân sự địa phương, lực lượng dân quân tự vệ ngày càng vững mạnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; giữ vững và phát huy sự đoàn kết nhất trí, tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chăm lo xây dựng và phát huy khối đoàn kết toàn dân, tạo động lực cho sự phát triển.
Với sự đoàn kết thống nhất, năng động, sáng tạo của hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, trong tương lai không xa, thành phố Ninh Bình nhất định sẽ vươn lên từ chính những thành quả của ngày hôm nay, để trở thành thành phố hiện đại, văn minh, điểm đến hấp dẫn của du khách muôn phương n
Lê Hữu Quý
(TVTU, Bí thư Thành ủy Ninh Bình)