Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tình hình chính trị ở huyện Kim Sơn hết sức phức tạp, các thế lực phản động câu kết với nhau, công khai ra sức chống phá chính quyền cách mạng non trẻ, nguy cơ xảy ra bạo loạn gây bất lợi cho cách mạng, cho khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo. Tháng 10/1945, Tỉnh ủy Ninh Bình đã cử các đồng chí cán bộ, đảng viên có năng lực, kinh nghiệm xuống vùng địch hậu Kim Sơn để hoạt động và xây dựng phong trào; năm 1946, Tỉnh ủy Ninh Bình tiếp tục tăng cường cán bộ, thành lập Ban cán sự huyện để chỉ đạo phong trào.
Ngày 6/6/1947, tại Đình Thượng làng Tuy Lộc, xã Trưng Nhị (nay là xã Yên Lộc), Đảng bộ huyện Kim Sơn được thành lập gồm 21 đảng viên. Đây là sự kiện lịch sử - chính trị quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng ở Kim Sơn, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, đem lại cho nhân dân Kim Sơn sự phấn khởi, tin tưởng hơn vào vai trò lãnh đạo của Đảng, vào phong trào cách mạng, mở đầu cho những thắng lợi lịch sử của Đảng bộ, quân và dân Kim Sơn.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Kim Sơn, Huyện ủy đã kiên trì thực hiện chính sách mềm dẻo nhằm thực hiện mục tiêu đoàn kết lương giáo; coi trọng xây dựng, củng cố Đảng bộ vững mạnh: tập trung lãnh đạo việc phát triển đảng viên, thành lập các tổ chức cơ sở đảng ở các xã (Đến tháng 8/1948, Đảng bộ đã có 238 đảng viên, 100% các xã đã thành lập chi bộ; tháng 10/1949, toàn Đảng bộ đã có 1.224 đảng viên); nhanh chóng phát triển các tổ chức quần chúng từ huyện xuống xã để thực hiện công tác dân vận; đồng thời xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang và nâng cao đời sống nhân dân, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng, động viên quần chúng tham gia phong trào cách mạng.
Từ năm 1949 đến năm 1954, thời kỳ địch tạm chiếm, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo cuộc chiến đấu trực tiếp chống thực dân Pháp và tay sai. Thực hiện chủ trương của Đảng, Bác Hồ, Liên khu ủy III và Tỉnh ủy Ninh Bình, Huyện ủy Kim Sơn kiên định mục tiêu, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn tổ chức Đảng, hệ thống chính trị, lãnh đạo đấu tranh trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế: xây dựng kế hoạch trụ vững địa bàn, bám dân, bám đất, xây dựng cơ sở (năm 1954, có gần 20 chi bộ trụ vững địa bàn; có trên 200 cơ sở quần chúng là người công giáo); thực hiện thắng lợi cuộc vận động "Lương giáo đoàn kết thi đua giết giặc", vận động giáo dân viết thư kêu gọi chồng con bỏ hàng ngũ vệ sỹ trở về; vận động nhân dân chống thuế, giảm tô, đấu tranh bảo vệ bồi trúc đê điều, cầu cống phục vụ sản xuất; trực tiếp chiến đấu và tham gia các chiến dịch do Trung ương phát động. Mặc dù ở vùng địch hậu, bị kìm kẹp nặng nề nhưng nhân dân Kim Sơn đã đóng góp cho kháng chiến gần 100 lạng vàng, hàng vạn đồng mua công trái, 774 thanh niên vào bộ đội, 300 gia đình cơ sở kháng chiến. Lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích đã tổ chức trên 120 trận đánh, tiêu diệt 1.089 tên địch, bắt sống 7.048 tên, phá hủy 2 khẩu đại bác, 25 xe cơ giới, góp phần quan trọng tiến tới giải phóng Kim Sơn ngày 30/6/1954. Các xã Xuân Thiện, Định Hóa, Chất Bình, Yên Mật, Lai Thành, Quang Thiện, Công an huyện Kim Sơn; các liệt sỹ: Bùi Thị Nhạn, Đậu Quý Khiêm, Trần Quý Lý đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Những năm từ 1955 đến 1975, Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo nhân dân cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn như khôi phục kinh tế, chống địch cưỡng ép di cư vào Nam (1954-1957), kế hoạch cải tạo XHCN và phát triển văn hóa (1958-1960), xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, chi viện cho chiến trường miền Nam (1965-1975). ở vị trí cửa ngõ chiến lược, là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, song Kim Sơn anh hùng vẫn vươn lên phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực:
Kinh tế - xã hội đã cơ bản phát triển, đời sống nhân dân trong huyện dần được cải thiện, bước đầu tạo cơ sở nền móng để xây dựng XHCN. Sản xuất được tổ chức lại; mạng lưới thủy lợi được hoàn thiện; thị trường hàng hóa, hàng cói nội địa phát triển; công tác quản lý được đổi mới, trình độ quản lý được nâng cao; thực hiện tốt Nghị quyết số 10 của Trung ương trong nông nghiệp, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất, Hợp tác xã Dưỡng Điềm (Hồi Ninh) là một trong số những đơn vị dẫn đầu toàn miền Bắc về năng suất lúa đạt 5 tấn/ha. Phong trào bổ túc văn hóa xã Kiến Trung (Kim Chính) đứng đầu miền Bắc được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa. Phong trào dạy vỡ lòng xã Lưu Phương là con chim đầu đàn của tỉnh Ninh Bình. Phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" được Nhà nước khen tặng. Chị Phan Thị Tỉnh, đội chèo Nam Dân (Thượng Kiệm) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo tinh thần Nghị quyết 195 và Chỉ thị 92 của Trung ương, thành lập các Đảng bộ trên cơ sở chi bộ Đảng ở các xã, thị trấn; thành lập thêm các Đảng bộ: Khối Nông nghiệp, Tài chính Thương nghiệp, các chi bộ trực thuộc Huyện ủy…Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tính xung kích của Đoàn thanh niên, sức mạnh to lớn của Hội Phụ nữ qua các phong trào tiêu biểu như "Tâm đắc chống Mỹ", " Cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ", phong trào 3 đảm đang thi đua cùng phụ nữ Cà Mâu, kiện tướng cấy giỏi và dũng sỹ diệt Mỹ trên đồng ruộng…được phát huy cao độ.
Cùng với miền Bắc thực hiện phương châm "Hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn", toàn huyện đã đóng góp cho miền Nam hơn 10 vạn tấn lương thực, trên 5 vạn tấn thực phẩm, hơn 31.000 người đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, gần 2.000 con em Kim Sơn đã để lại xương máu tại các chiến trường…Với tinh thần anh dũng kiên cường, nhân dân Kim Sơn đã giáng trả kẻ thù những đòn chí mạng, bắn rơi 8 máy bay, bắt sống phi công Mỹ và toán biệt kích C47 trong cuộc oanh kích ngày 23/6/1965 của không quân Mỹ. Cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Kim Sơn; Trung đội dân quân Kim Đài; dân quân du kích xã Thượng Kiệm; đồng chí Trần Xuân Sinh; liệt sỹ Nguyễn Bá Sơ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Có thể nói, trong những năm tháng sôi sục cùng cả nước chống Mỹ, Đảng bộ Kim Sơn tiếp tục được tôi luyện bản lĩnh cách mạng, ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về số lượng, chất lượng, đã lãnh đạo nhân dân Kim Sơn giành được những chiến công trên cả hai mặt trận vừa chiến đấu, vừa sản xuất và chi viện tối đa sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, xứng đáng với danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang" đã được Nhà nước tặng thưởng.
30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, quán triệt và cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ huyện Kim Sơn đã lãnh đạo nhân dân phát huy truyền thống lịch sử, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu, giành được những thành tựu to lớn, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực: Sản xuất lúa liên tục được mùa, năng suất và sản lượng luôn dẫn đầu toàn tỉnh. Nuôi trồng thủy sản phát triển, dần khẳng định thế mạnh. Kinh tế biển là hướng đi đầy triển vọng từng bước được hiện thực hóa. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2016 đạt 108,8 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhiều dự án lớn đang được triển khai xây dựng. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, hết năm 2016 đã có 10/25 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu năm 2017 có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hóa - xã hội ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 16,46% năm 2010 xuống còn 2,95% năm 2015; năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 9,53% theo chuẩn nghèo đa chiều. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Phương thức, năng lực lãnh đạo của cấp ủy từ huyện đến cơ sở có nhiều đổi mới rõ nét, ngày càng toàn diện, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Dân chủ được phát huy, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo được củng cố, mở rộng; nhìn chung, đại bộ phận nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền.
Với những đóng góp và những thành tích đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Sơn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, 11 tập thể, 5 cá nhân vinh dự được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 139 mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng", 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 1 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; và nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý.
Trải qua 70 năm, 23 kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện Kim Sơn với 21 đảng viên khi mới thành lập, đến nay đã có 7.447 đảng viên với 77 tổ chức cơ sở Đảng. Thực tiễn 70 năm xây dựng và lãnh đạo phong trào cách mạng, tuy còn có những hạn chế, song sự thắng lợi và những thành công là to lớn và có ý nghĩa lịch sử căn bản, sâu sắc, để lại những kinh nghiệm thiết thực, bổ ích cho hôm nay và mai sau. Đặc biệt, với những thành quả cách mạng to lớn mà Đảng bộ và nhân dân Kim Sơn đạt được đã minh chứng, khẳng định rõ nét sự phấn đấu nỗ lực, bền bỉ không ngừng, trưởng thành nhanh chóng của Đảng bộ.
Kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ huyện Kim Sơn (6/6/1947-6/6/2017) là dịp để toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện cùng nhau ôn lại truyền thống anh hùng cách mạng vẻ vang của Đảng bộ gần 3/4 thế kỷ, tiếp tục rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng; trân trọng và nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn trách nhiệm phải gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy những thành quả, những giá trị truyền thống quý báu mà các thế hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đã dày công vun đắp và xây dựng. Từ đó, thống nhất cao, quyết tâm lớn, đổi mới từ nhận thức đến hành động cụ thể, thiết thực, tạo ra bước đột phá, sự chuyển biến mạnh mẽ, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiền phong gương mẫu, có sức chiến đấu cao, năng động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, khơi dậy truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, góp phần xây dựng huyện Kim Sơn thực sự giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, đẹp về văn hóa.
Nguyễn Hoàng Hà
TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện