Thực hiện Công điện số 81/CĐ-TTg ngày 15-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Kỷ Sửu, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở: Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh ăn uống, cung cấp nước sinh hoạt để bảo đảm cho người dân ăn Tết an toàn. Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, pha chế, kinh doanh thực phẩm tươi sống. Sẵn sàng huy động nguồn lực của địa phương, đơn vị hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, thực hành về vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động nhân dân thay đổi các phong tục tập quán sinh hoạt, chế biến, ăn uống trong các dịp lễ, Tết nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, thực phẩm và giảm ngộ độc thực phẩm; khuyến cáo người dân không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm chết, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không ăn tiết canh và thức ăn chưa nấu chín.
3. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nhập khẩu, vận chuyển, lưu thông thực phẩm giả kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất sứ.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chú trọng đến việc sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm và ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm. Xử lý nghiêm khắc các cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp nước và vệ sinh môi trường.
4. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng trong toàn tỉnh tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; khoanh vùng, xử lý triệt để môi trường, chất thải. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức các hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số dịch truyền, thuốc, phương tiện và nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân, đặc biệt trong trường hợp có vụ ngộ độc thực phẩm, dịch lớn xảy ra.
5. Giao Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH tỉnh, Báo Ninh Bình phối hợp với Sở Y tế và các ngành chức năng có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã, xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức đa dạng, phong phú, dễ hiểu để mọi người dân nhận thức đúng, đủ về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng khi sử dụng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn và không ngăn chặn kịp thời các dịch bệnh.
Trên đây là một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách yêu cầu giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện. UBND tỉnh giao cho Sở Y tế chủ trì theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua đường thực phẩm, thường xuyên báo cáo kết quả về UBND tỉnh.