Là một khách sạn lớn trên địa bàn thành phố Ninh Bình, những năm qua, khách sạn Hoàng Sơn đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giữ chân và thu hút khách khi đến với Ninh Bình, từ cung cách phục vụ đến việc đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhuần, Giám đốc Nhà hàng Hoàng Sơn cho biết: Là một đơn vị kinh doanh dịch vụ, chúng tôi xác định việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồ uống chất lượng là một trong những tiêu chí hàng đầu để phục vụ và giữ chân khách. Theo đó, nguồn thực phẩm của nhà hàng được tuyển chọn kỹ lưỡng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được ký kết bằng các hợp đồng chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm cho cả hai bên. Cùng với nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng, nhà hàng còn thường xuyên nâng cấp, trang bị các dụng cụ, đồ dùng, tủ đựng thức ăn để đảm bảo vệ sinh, đẹp mắt và hài lòng khách hàng. Nhờ đảm bảo VSATTP, trong những năm qua, khách sạn Hoàng Sơn là nơi đón tiếp nhiều nhất các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, công tác, hội họp, đặc biệt là các đoàn khách nước ngoài đến tham dự các lễ hội quan trọng, các hội thi, hội thao quy mô lớn của tỉnh. Với tiêu chuẩn khách sạn 4 sao, quy mô 150 phòng nghỉ, mỗi ngày, khách sạn Hoàng Sơn phục vụ thường xuyên 500-600 khách ăn, trong đó 50% là khách lưu trú, bình quân mỗi tháng phục vụ từ 18-20 nghìn lượt khách, vào thời điểm mùa lễ hội và cưới hỏi, số lượng khách đăng ký dịch vụ ăn uống tăng lên 1,5-2 lần; cùng một thời điểm có thể đáp ứng cho khoảng 2.500 khách ăn. Khách sạn Hoàng Sơn cũng là một trong số ít các nhà hàng, khách sạn của tỉnh Ninh Bình vừa được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khen thưởng trong công tác đảm bảo VSATTP.
Cũng như khách sạn Hoàng Sơn, rất nhiều các nhà hàng, khách sạn, quán ăn khác trên địa bàn thành phố Ninh Bình và gần các khu, điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh đã quan tâm và coi trọng công tác VSATTP. Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đều có nguồn thực phẩm chất lượng, tươi ngon, còn hạn dùng, rau xanh được lấy ở các đại lý có nguồn gốc rõ ràng, hệ thống nước rửa đảm bảo tiêu chuẩn cho phép…; thức ăn được bảo quản trong các thiết bị bảo đảm an toàn thực phẩm như thùng đông lạnh, trang bị đầy đủ tủ bảo lưu thức ăn, tủ lấy mẫu thức ăn...
Từ chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đến người quản lý, mỗi nhân viên phục vụ đều hiểu và xác định rõ, bên cạnh thái độ, phong cách phục vụ, muốn khách hàng quay lại và đến nhà hàng của mình ngày càng nhiều hơn, mỗi cơ sở, mỗi cá nhân phải có ý thức cao trong việc tuân thủ nghiêm túc các quy định của Nhà nước về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng chí Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Hàng năm, không chỉ trong Tháng hành động an toàn thực phẩm, trong các dịp lễ tết, hội hè, ngày nghỉ dài, Chi cục đều phối hợp với các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra và yêu cầu các nhà hàng, khách sạn, cơ sở ăn uống thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm VSATTP như: trang bị quần áo, găng tay làm bếp; khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, phòng tránh các bệnh lây nhiễm; tập huấn kiến thức về vệ sinh thực phẩm, phun thuốc trừ muỗi, ruồi; các thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phải có dấu của cơ quan chức năng; chế biến thức ăn theo quy trình một chiều; trang bị tủ lưu mẫu thức ăn; thường xuyên khử trùng các dụng cụ làm bếp...
Từ đầu năm đến nay, 2 đoàn kiểm tra chuyên ngành của Chi cục ATVSTP đã phối hợp với một số huyện, thành phố tiến hành kiểm tra gần 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhận thấy, trên 80% chủ nhà hàng, gần 70% người lao động ý thức được việc giữ gìn vệ sinh thực phẩm.
Qua công tác kiểm tra nhận thấy, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã rất quan tâm đến công tác này. Đặc biệt, chủ các khách sạn, nhà hàng, nhân viên phục vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Ninh Bình, các khu, điểm du lịch đã được phổ biến kiến thức và thực hiện tương đối tốt các kiến thức đã được tuyên truyền, chỉ dẫn. Tuy nhiên, khi phát hiện các cơ sở không đảm bảo các điều kiện VSATTP, dù đã được trao giấy chứng nhận bảo đảm VSATTP cũng sẽ bị tịch thu và tùy vào từng lỗi vi phạm để chủ động nhắc nhở, tuyên truyền; đồng thời kiên quyết xử phạt, tiêu hủy những thực phẩm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện đang là "Tháng hành động an toàn thực phẩm" năm 2016, Chi cục ATVSTP tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, ký cam kết đến tất cả các đối tượng là các cơ sở sản xuất, sơ chế/chế biến, kinh doanh rau; cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế/chế biến, kinh doanh thịt; chính quyền các cấp, ban quản lý chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở tiêu dùng rau, thịt (nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể…) và người tiêu dùng thực phẩm; phấn đấu giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay về tình trạng thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm. Tất nhiên, để công tác VSATTP được thực hiện thực sự đạt hiệu quả, không chỉ có riêng sự nỗ lực của ngành y tế mà cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, sâu rộng của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh