"Cú hích" để nông nghiệp, nông thôn, nông dân phát triển
Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tổng nguồn lực để thực hiện Nghị quyết đạt trên 24 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng nguồn ngân sách tỉnh đã huy động trên 2.000 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách của tỉnh đã đảm bảo để thực hiện các Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy như: Nghị quyết số 03 về hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất vụ đông trên 30 tỷ đồng/năm, qua đó dần đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm; Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác giảm nghèo, kinh phí đầu tư đạt trên 20 tỷ đồng/năm. Thành công của Nghị quyết 10 cũng đã giúp nhiều hộ nghèo, xã nghèo có thêm kinh phí để chuyển dịch cơ cấu cây trông, vật nuôi, lao động nông thôn được đào tạo nghề... Tỉnh cũng đã dành một nguồn kinh phí đáng kể để hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng mẫu lớn…Ngoài ra, tỉnh cũng đã huy động nguồn lực tài chính để triển khai thực hiện tốt Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Trong 2 năm thực hiện (2008-2010), tỉnh đã huy động được hơn 81 tỷ đồng và gần 100.000 ngày công lao động để xây mới, sửa chữa gần 3.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Kết quả Ninh Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước công bố hoàn thành chương trình xây mới, sửa chữa nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và về đích trước thời hạn 2 năm.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngành Tài chính cũng đã tích cực và chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/NQ-HĐND về Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình. Theo đó, cân đối nguồn ngân sách tỉnh dành nguồn tài chính thỏa đáng và lồng ghép các nguồn ngân sách chương trình mục tiêu Quốc gia, các nguồn vốn ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ để thực hiện, đặc biệt là chính sách hỗ trợ xi măng và đầu tư kinh phí xây dựng giao thông nông thôn. Riêng trong năm 2013, tỉnh đã dành nguồn kinh phí trên 200 tỷ đồng để thực hiện xây dựng nông thôn mới, đã hỗ trợ Ban phát triển thôn, xóm để xây dựng nông thôn mới với mức 10 triệu đồng/thôn/năm; hỗ trợ các xã mua xi măng và các nguyên vật liệu để xây dựng đường giao thông nông thôn; hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở UBND xã, nhà văn hóa; kinh phí thực hiện dồn điền, đổi thửa; hỗ trợ cho 3 xã Khánh Phú, Khánh Thành, Khánh Thiện mỗi xã 5 tỷ đồng để phấn đấu xây dựng các công trình nhằm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2013.
Cùng với nguồn kinh phí phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng khu vực nông thôn, trong những năm qua, ngành Tài chính đã quan tâm thực hiện các chính sách hướng về cơ sở, hướng về nông thôn. Đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện chính sách thu hút, chính sách luân chuyển cán bộ, cán bộ điều động, tăng cường những người tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên về công tác tại xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, trong năm 2012, ngành đã đề xuất tham mưu và đảm bảo kinh phí chi trả phụ cấp cho 5 chức danh đoàn thể cấp thôn, tổ dân phố với mức chi 0,15 lương tối thiểu. Tổng kinh phí thực hiện việc chi trả trên là 15,8 tỷ đồng/năm. Nâng mức kinh phí thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" từ 3 triệu đồng/khu dân cư/năm lên 5 triệu đồng/khu dân cư/năm. Tổng mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo từ 75% lên 100%. Đảm bảo nguồn ngân sách để hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí trên địa bàn tỉnh theo Nghị định của Chính phủ, mỗi năm bình quân ngân sách tỉnh đầu tư trên 106 tỷ đồng để miễn giảm thủy lợi phí. Có thể nói, nguồn lực tài chính trên được xem là "cú hích" để nông nghiệp, nông thôn, nông dân phát triển và giảm dần các khoản đóng góp cho nông dân
Lồng ghép các nguồn lực tài chính phát triển "tam nông"
Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc đảm bảo nguồn tài chính để thực hiện Nghị quyết 26-NQ/T.Ư về nông nghiệp, nông dân và nông thôn việc đầu tư tài chính cho lĩnh vực này vẫn còn một số khó khăn. Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), lãnh đạo ngành Tài chính đã nêu rõ: "Việc cân đối, bố trí nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân còn hạn chế, nguồn ngân sách để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém. Đời sống của dân cư nông thôn nhìn chung còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, thu ngân sách mới chỉ tự cân đối được khoảng 35% thì quan trọng nhất là thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các nguồn lực tài chính để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Để tiếp tục đảm bảo nguồn tài chính thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/T.Ư về nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì nhiệm vụ được ưu tiên số một trong giai đoạn hiện nay là tập trung kinh phí để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và thực hiện quản lý đầu tư theo quy hoạch. Ưu tiên gắn quy hoạch cơ sở hạ tầng với quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung theo từng vùng, từng xã trên cơ sở tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trên cơ sở được phê duyệt, phải bố trí kinh phí để triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, trước hết là thủy lợi, nước sạch, đường giao thông, đường điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà ở, cụm dân cư. Đồng thời tăng cường đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường ở nông thôn, xử lý rác thải, nước thải.
Tiếp tục tăng cường nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và huy động tối đa vốn ODA, các nguồn vốn khác để thực hiện phát triển "tam nông". Ưu tiên bố trí thông qua các chương trình, dự án, các công trình trọng điểm về hạ tầng kinh tế - xã hội. Điều tiết ngân sách Nhà nước cho các xã thuần nông. Tập trung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án phát triển giao thông nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kiên cố hóa trường, lớp học, cơ sở chữa bệnh, công trình thủy lợi trọng điểm.
Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn khó khăn như hiện nay, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các đơn vị cấp tỉnh với cấp ủy chính quyền cấp huyện, cấp xã trong triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn phù hợp. Kết hợp hài hòa giữa vốn ngân sách với vốn của doanh nghiệp, vốn huy động đóng góp. Xây dựng cơ chế, chính sách tài chính cụ thể, rõ ràng để các đơn vị chủ động bố trí cân đối ngân sách, vốn đối ứng khi được tài trợ vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần nghiên cứu có một số điều chỉnh về tín dụng đối với các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn…, tạo tính thống nhất, minh bạch, thuận tiện, hiệu quả đối với sự nghiệp phát triển "tam nông" trong thời gian tới.
Nguyễn Thơm