Nếu tính cả lần tham gia vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới thì đây là lần thứ 3 chị Phạm Thị Hà, thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) thực hiện quyền bầu cử. Vốn là người khuyết tật, bởi vậy mỗi lần tham gia bầu cử đều là một kỷ niệm khó quên đối với chị Hà.
Chị Hà kể: Lần tham gia bầu cử đầu tiên của tôi cách đây hơn chục năm, khi ấy chưa có nhiều người khuyết tật đi bầu cử. Tôi là số ít người khuyết tật tới các điểm bỏ phiếu để thực hiện bầu cử. Trước khi thực hiện bầu cử, tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, xem xét kỹ tiểu sử của từng ứng cử viên. Qua đó, lựa chọn những ứng cử viên có đủ đức, đủ tài, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của quần chúng nhân dân nói chung, người khuyết tật nói riêng để bầu vào cơ quan dân cử.
Năm nay, chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sắp diễn ra, với vai trò là chủ nhiệm CLB khuyết tật tích cực, chị Hà đã đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc bầu cử tới các hội viên với mong muốn sẽ có thêm nhiều người khuyết tật biết và thực hiện quyền bầu cử của mình. "CLB nữ khuyết tật tích cực có 30 hội viên. Thực tế, chưa có nhiều hội viên tham gia bầu cử bởi nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do thiếu tự tin tham gia các hoạt động hòa nhập bình đẳng với cộng đồng"- chị Hà nói.
Để hướng tới ngày hội non sông, chị Hà tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên trong CLB tìm hiểu và tự tin tham gia thực hiện quyền cử tri. Chị Nguyễn Thị Sâm, thành viên CLB tích cực khẳng định: Tôi và nhiều người khuyết tật sẽ tham gia vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong thời gian tới. Dù có hình thức bầu cử tại chỗ, song chúng tôi cố gắng sẽ đến tận nơi để được hòa mình vào không khí phấn khởi của sự kiện chính trị trọng đại. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ và gửi trọn trách nhiệm, niềm tin của bản thân vào lá phiếu, để bầu được những người xứng đáng nhất.
Ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có gần 26 nghìn người khuyết tật. Trong đó, đa số là những người có đủ năng lực thực hiện quyền bầu cử. Trước đây, do mặc cảm, tự ti nên còn nhiều người khuyết tật chưa quan tâm đến việc thực hiện quyền bầu cử của bản thân mình, chưa biết tìm hiểu thông tin về các ứng cử viên ở đâu…
Trước thực tế đó, thời gian qua, nhất là trong thời điểm chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sắp tới, Hội Người khuyết tật tỉnh đã tích cực phối hợp với các tổ chức như: Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam… đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, linh hoạt và phù hợp, nhằm đưa thông tin về cuộc bầu cử đến được với mọi người khuyết tật.
Có mặt tại hội nghị tuyên truyền về bầu cử do Hội Khuyết tật tỉnh phối hợp tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Hội Khuyết tật huyện Yên Khánh rất phấn khởi, hào hứng. Tham gia buổi tuyên truyền này, những người khuyết tật được cung cấp các thông tin quan trọng về Luật bầu cử và đặc biệt là quyền bầu cử của người khuyết tật.
"Những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc, chúng tôi trao đổi và được đại diện các tổ chức giải đáp thấu đáo. Với những thông tin có được, tôi mong rằng sẽ có nhiều người khuyết tật tham gia thực hiện quyền bầu cử của mình. Chúng tôi cũng mong muốn rằng, ở các tổ bầu cử cũng sẽ có sự quan tâm thiết thực, tạo điều kiện để người khuyết tật đến bỏ phiếu an toàn, như có thiết kế để dành cho người khuyết tật như đường cho xe lăn, bàn đặt hòm phiếu ở độ cao phù hợp…"- ông Trường cho biết.
Bài, ảnh: Đào Hằng