Nhiều ngày nay, khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, chị Trần Thị Mai Hoa, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) rất lo lắng cho sức khỏe của gia đình nên luôn tham khảo trên các trang báo chính thống của Bộ Y tế, Viện dinh dưỡng để chủ động chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ cao tuổi và các con còn nhỏ.
Chị Hoa cho biết, ngoài thường xuyên dặn dò ông bà, các con thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng, chống bệnh dịch như ăn ở vệ sinh, sạch sẽ, hạn chế mọi người ra ngoài, không đến chỗ đông người..., chị còn tìm hiểu và bổ sung chế độ ăn uống có đủ chất dinh dưỡng cho cả nhà.
Đặc biệt là các vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch, như vitamin A, C, D, E, trong đó vitamin A có vai trò rõ rệt cả với miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Các vitamin và khoáng chất này đều có trong các loại thịt, cá, rau xanh và hoa quả, do đó hàng ngày chị cố gắng phân loại và bổ sung tương đối các loại thực phẩm trong bữa ăn gia đình.
Với chị Thùy Liên, phường Bích Đào (thành phố Ninh Bình), nhà có 2 con nhỏ đang tuổi ăn dặm thì chế độ dinh dưỡng những ngày có dịch bệnh được chị kỳ công chuẩn bị hơn, hạn chế các loại thức ăn được chế biến sẵn, các loại thực phẩm đóng hộp.
Chị Liên tham khảo các nguồn thông tin và được biết, cơ thể trẻ lúc này đang bước vào giai đoạn hình thành hệ xương, cơ, hệ tiêu hóa..., do đó, trong mùa dịch, cần cho trẻ ăn chế độ cân đối theo lứa tuổi, chú ý các thực phẩm tăng cường miễn dịch, cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc, giữ vệ sinh cơ thể, đảm bảo an toàn thực phẩm bằng các loại thực phẩm có nguồn gốc, được kiểm dịch, đồng thời chế biến sạch sẽ, ăn chín uống sôi, rửa tay thường xuyên..., từ đó giúp trẻ tăng cường khả năng chống bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, không chỉ thời điểm dịch bệnh Covid-19, để phòng chống các loại bệnh dịch theo mùa, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, mỗi người dân cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho bản thân và gia đình.
Theo đó, khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa guồn chất đạm động vật và thực vật. Ngoài ra, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối trong khẩu phần. Ăn đủ về năng lượng, các chất dinh dưỡng theo nhu cầu cơ thể, phân chia hợp lý các bữa ăn trong ngày.
Đặc biệt, rau quả là nguồn cung cấp vitamin - khoáng chất và chất xơ. Vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng trong đề kháng và miễn dịch cơ thể, nếu thiếu làm giảm sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh.
Cần lưu ý, trẻ nhỏ là nhóm đối tượng rất dễ nhiễm bệnh, do vậy, bên cạnh bổ sung dinh dưỡng thì cần cho trẻ ngủ đủ giấc, đồng thời hướng dẫn trẻ những biện pháp cần làm để các con hiểu và thực hiện.
Điều dưỡng Đại học Đinh Công Huy, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, mỗi người dân cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần phòng ngừa dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, người dân cần sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm; đảm bảo rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sau khi chạm tay trực tiếp vào động vật tươi sống hoặc các sản phẩm làm từ thịt động vật. Tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh hoặc các loại thịt động vật đã hư hỏng; tuyệt đối tránh tiếp xúc với các loài động vật hoang như chó mèo đi lạc, động vật gặm nhấm, chim, dơi... và không tiếp xúc với khu vực chứa rác, chất thải động vật ở chợ.
Khi chế biến thức ăn, tuyệt đối không dùng chung dao, thớt giữa thực phẩm sống và chín. Không ăn thịt những động vật chết vì bệnh, tránh tiêu thụ các sản phẩm động vật sống hoặc chưa nấu chín. Nấu chín các loại thịt, trứng gia cầm trước khi ăn để đảm bảo tiêu diệt các mầm bệnh (như virus, vi khuẩn...).
Trong lúc ăn, uống cần đảm bảo vệ sinh bằng việc luôn ăn chín, uống chín để hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm; không sử dụng đũa, muỗng cá nhân để lấy các món ăn dùng chung nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn qua đường ăn uống. Không uống chung ly nước hoặc đồ đựng các loại thức uống với người khác.
Cùng với đó, cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu protein động vật (như các loại cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa…) và protein thực vật (từ các loại đậu…).
Cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, như vitamin A, C, D, E, sắt, kẽm, selen... Đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Đồng thời tăng cường sử dụng một số thực phẩm, gia vị chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như: Hành, tỏi, nghệ, sả, nấm, ớt… giúp kích thích tiêu hóa, thực hiện hiệu quả chức năng miễn dịch.
Đặc biệt, người dân không cần thiết tích trữ lương thực, thực phẩm, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình. Bởi trong quá trình tích trữ thực phẩm, nếu bảo quản không đúng cách sẽ làm thực phẩm hỏng, không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cùng với đó, chú ý lựa chọn mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở được phép kinh doanh thực phẩm và được cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra thường xuyên về an toàn thực phẩm.
Bài, ảnh: Hạnh Chi