Để việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ được hiệu quả, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đều chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng theo quy định. Cô giáo Vũ Thị Hoài Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ninh Hòa (huyện Hoa Lư) cho biết: Trường mầm non Ninh Hòa có 2 điểm trường với 396 trẻ thực hiện ăn bán trú tại trường. Hàng ngày, thực phẩm được nhà trường nhập của nhà cung ứng thực phẩm có uy tín, đủ trách nhiệm trên địa bàn. Với suất ăn 16 nghìn đồng/ngày, trẻ được ăn 3 bữa, gồm 2 bữa chính, 1 bữa phụ. Thực đơn được lên theo tuần, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, các món ăn được bố trí phù hợp, không lặp lại gây nhàm chán cho trẻ.
Nhà trường có 9 cô nuôi, tất cả đều có bằng trung cấp và sơ cấp về nấu ăn và chăm sóc trẻ. Hệ thống bếp nấu ăn 1 chiều đảm bảo về chất lượng và điều kiện vệ sinh thực phẩm một cách tuyệt đối... Đặc biệt, đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng, nhà trường kết hợp chặt chẽ với phụ huynh để có chế độ ăn phù hợp cho trẻ vừa ở trường và ở nhà nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Kết quả qua 3 lần kiểm tra sức khỏe năm học 2018-2019, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhà trẻ còn 5,3%, mẫu giáo còn 4,5%, giảm trên dưới 2% so với tỷ lệ vào đầu năm học, đạt tiêu chuẩn yêu cầu nhà trường đề ra...
Chị Nguyễn Thị Hương, phụ huynh một học sinh lớp 5 tuổi, trường mầm non Ninh Hòa (huyện Hoa Lư) cho biết: Tôi là đại diện phụ huynh học sinh của trường, thường xuyên được nắm bắt và tham gia giám sát 1 năm 2 lần cùng với HĐND xã về việc thực hiện ATTP tại bếp ăn tập thể của nhà trường nhận thấy, việc thực hiện các chế độ, tiêu chuẩn dinh dưỡng và đảm bảo về ATTP tại Trường Mầm non Ninh Hòa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, tiêu chuẩn. Đơn cử như thực đơn được làm theo mùa, thay đổi hằng ngày, hằng tuần. Trẻ được ăn 2 bữa chính, 1 bữa phụ. Nhà trường cũng công khai khẩu phần ăn, thực đơn từng ngày của trẻ để phụ huynh theo dõi và yên tâm. Chúng tôi rất yên tâm khi gửi con đến học tập, chăm sóc và nuôi dưỡng tại trường.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hà Minh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hoa Lư cho biết, để tuyên truyền, hiểu sâu về kiến thức dinh dưỡng đối với trẻ em mầm non cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong các nhà trường và các bậc cha mẹ học sinh, vừa qua, ngành Giáo dục Hoa Lư đã tổ chức Ngày hội dinh dưỡng cho trẻ mầm non. Ngày hội được tổ chức thành 2 cụm, với sự tham gia của 11 trường mầm non các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện. Mỗi đội thi của 1 trường mầm non gồm 1 giáo viên, 2 phụ huynh và 2 học sinh lớp 5 tuổi, trải qua 3 phần thi: Màn chào hỏi, thi hiểu biết và thi tài năng.
Nội dung các phần thi tập trung vào việc tìm hiểu, nắm bắt, lựa chọn các nhóm thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ mầm non; việc nhận biết các món ăn qua các bức tranh; trả lời các câu hỏi về nhóm thực phẩm giàu vitamin, muối khoáng; cách chăm sóc, nuôi dưỡng để trẻ phát triển khỏe mạnh, toàn diện... Thông qua Ngày hội giúp các bậc cha mẹ học sinh và cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết trong việc nuôi dạy con theo khoa học và tham gia tích cực vào hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non và gia đình, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và trẻ em béo phì trong cộng đồng.
Nhà giáo Trịnh Thị Bản, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện toàn tỉnh có gần 200 trường mầm non công lập và các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, trong đó gần 100% số trẻ mầm non đi học thường ăn bán trú tại trường. Tại các nhà trường, thực đơn bữa ăn thường được ghi chi tiết, cụ thể lượng lương thực thực phẩm, bữa chính và bữa phụ trong ngày và treo ở những nơi dễ nhìn để phụ huynh dễ đọc, dễ theo dõi. Đặc biệt, hiện nay các trường đều có cán bộ y tế, cô nuôi, họ được trang bị đầy đủ kiến thức về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, hàng năm đều được kiểm tra và tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ, do đó, trẻ ăn bán trú hoàn toàn có thể được đảm bảo về nhu cầu dinh dưỡng....
Bữa ăn ở trường nếu thực hiện ăn cả sáng, trưa và bữa chiều sẽ đáp ứng khoảng 70%, bữa tối ở nhà đáp ứng 30% nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ. Hàng năm, ngành Giáo dục đánh giá chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non không ngừng được nâng lên. Năm học 2017-2018, các nhà trường duy trì 100% số trẻ đến trường, được học 2 buổi/ngày. Có 99,4% số nhóm lớp và 99,6% số trẻ được tổ chức nuôi bán trú tại trường.
Kết quả, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trẻ nhóm nhà trẻ là 2,6% (giảm 3,5% so với đầu năm học, 1,0% so với năm học trước); trẻ mẫu giáo 3,6% (giảm 2,6% so với đầu năm học, 0,6% so với năm học trước). Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ nhà trẻ 3,5% (giảm 3,2% so với đầu năm học, 1,1% so với năm học trước); trẻ mẫu giáo 4,0% (giảm 2,0% so với đầu năm học, 0,9% so với năm học trước). 100% số trẻ đến nhóm lớp được đảm bảo an toàn về mọi mặt...
Như vậy có thể thấy, mầm non là cấp học rất quan trọng và đang ngày càng được ngành Giáo dục và các bậc phụ huynh học sinh quan tâm đầu tư, chăm sóc. Việc chú trọng đến các bữa ăn giúp trẻ đảm bảo dinh dưỡng, từ đó phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ, nhân cách sẽ tạo đà cho sự phát triển toàn diện của các em ở những bậc học tiếp theo.
Mỹ Hạnh