Đồng chí Vũ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sau khi có kế hoạch của Bộ Y tế và Tiểu ban Y tế, ngành Y tế Ninh Bình đã triển khai nhanh chóng, kịp thời các công việc thuộc lĩnh vực đảm nhiệm. Sở đã chỉ đạo các đơn vị thuộc lĩnh vực được phân công tiến hành các công việc chuyên môn phục vụ cho Đại lễ. Theo đó, đã giao cho Chi cục An toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại tất cả các cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ đại biểu về dự Đại lễ trên địa bàn thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, Gia Viễn.
Hiện nay, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đang triển khai kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung vào các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Đặc biệt, tại các khách sạn có đại biểu lưu trú, trọng điểm là khách sạn Hoa Lư và khu vực chế biến thực phẩm, thức ăn cho đại biểu tại chùa Tam Thế, bến thuyền Tràng An, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm sát sao.
Trên cơ sở báo cáo của các khách sạn về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm đầu vào, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh tiến hành kiểm tra tại nguồn cung cấp nguyên liệu, chủ yếu là rau, củ, quả thuộc các xã vành đai Ninh Phúc.
Đối với nguồn nguyên liệu thực phẩm do các khách sạn nhập từ các cơ sở ở các nơi khác, các khách sạn đều cung cấp đầy đủ hợp đồng, giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…Qua công tác kiểm tra, giám sát từ khâu thu mua nguyên liệu đầu vào cho đến quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm của các khách sạn đều đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, các khách sạn phục vụ Đại lễ Vesak đều cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh cơ sở, có nguồn thực phẩm sạch và an toàn, vệ sinh trong quá trình chế biến, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến, thực hiện chế độ khám sức khỏe và vệ sinh cá nhân để đảm bảo an toàn thực phẩm cho các đại biểu, khách mời tham dự Đại lễ.
Vào những ngày diễn ra Đại lễ, ngành Y tế sẽ tổ chức giám sát việc kiểm thực 3 bước tại các khách sạn, nhà hàng, sẵn sàng xử trí các tình huống khi xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm (nếu có), tiến hành xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm, nguyên liệu hàng ngày phục vụ khách. Đoàn kiểm tra sẽ giám sát, lập biên bản và có những xử lý cần thiết đối với các cơ sở vi phạm.
Cùng với việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, một nhiệm vụ quan trọng được ngành Y tế Ninh Bình triển khai sớm là công tác vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thành lập 3 đội chống dịch cơ động phản ứng nhanh, tổ chức kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, nguồn nước, tiến hành phun hóa chất khử khuẩn, diệt côn trùng tại các địa điểm: khu vực chùa Bái Đính, hội trường trung tâm, khách sạn Hoa Lư và các khách sạn nơi bố trí đại biểu lưu trú. Các đội chống dịch cơ động phản ứng nhanh còn tiến hành giám sát dịch bệnh trước, trong và sau khi diễn ra Đại lễ tại các địa điểm đại biểu đến tham quan và làm việc trên địa bàn.
Bên cạnh đó, công tác thường trực cấp cứu được các Bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện E phối hợp với các bệnh viện trong tỉnh là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Trung tâm Y tế thành phố triển khai, mỗi đơn vị thành lập 1 tổ cấp cứu lưu động gồm 1 xe cứu thương, 1 bác sỹ, 2 điều dưỡng, thuốc và các trang thiết bị phục vụ cấp cứu tại chỗ theo thời gian quy định. Thực hiện thường trực cấp cứu ban ngày tại 5 điểm: Hội trường trung tâm, Điện Tam Thế, Điện Pháp chủ, cổng Tam quan và Bến thuyền Tràng An. Thường trực cấp cứu ban đêm tại 8 cụm khách sạn, đảm bảo công tác y tế cho khách nghỉ tại các khách sạn đã đăng ký với Ban tổ chức để xử trí các trường hợp cấp cứu và điều trị kịp thời đối với các đại biểu tham dự Đại lễ trong trường hợp không may bị ốm, chấn thương, tai nạn…
Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoa Lư, Gia Viễn còn chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực cho việc tiếp nhận bệnh nhân tại Bệnh viện. Mỗi đơn vị đã bố trí 10 giường bệnh, phân công nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ y tế, chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh nhân, sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho đại biểu và khách về dự Đại lễ.
Đối với tình huống đặc biệt như: cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, ngộ độc thực phẩm với số lượng nạn nhân đông… Bộ Y tế sẽ huy động các đội cấp cứu ngoại viện của các bệnh viện đóng trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế thành phố Hà Nội, Nam Định, Hà Nam cùng tham gia phối hợp, có phương án chuyển bệnh nhân đến các cơ sở điều trị.
Lý Nhân