Có mặt tại bếp ăn của trường Mầm non Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) vào lúc các cô nuôi đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho các cháu nhận thấy, việc chế biến, nấu nướng và phân chia thức ăn cho các nhóm lớp đảm bảo an toàn, sạch sẽ, đúng quy trình. Cô giáo Lê Thị Trâm, Hiệu trường nhà trường cho biết: Hàng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch chỉ đạo công tác nuôi dưỡng ngay từ đầu năm học, tổ chức họp phụ huynh để tuyên truyền vận động nâng cao tỷ lệ cháu ăn tại lớp và đóng góp mua sắm đồ dùng phục vụ cho công tác nuôi, giao kế hoạch, chỉ tiêu số lượng cháu nuôi cho từng nhóm, lớp. Đồng thời chỉ đạo tổ nuôi thực hiện đúng quy trình bếp một chiều; xây dựng thực đơn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, thực hiện tính khẩu phần ăn trong ngày khoa học, hợp lý. Nhà trường đặc biệt quan tâm đến khâu vệ sinh an toàn thực phẩm bằng việc đăng ký mua thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc; tích cực trồng rau xanh, cây ăn quả xung quanh trường để tăng thêm bữa ăn cho trẻ...
Cùng với đó, công tác vệ sinh chăm sóc sức khỏe cho trẻ được quan tâm: 100% nhóm, lớp có đầy đủ đồ dùng vệ sinh và được dùng nước sạch, có công trình vệ sinh phù hợp; 100% số cháu đến lớp được khám sức khỏe định kỳ, tiêm phòng tiêm chủng đầy đủ, được cân đo theo dõi biểu đồ phát triển từng quý; 100% các bậc phụ huynh được tuyên truyền kiến thức nuôi con theo khoa học, hưởng ứng phong trào nuôi con khỏe, dạy con ngoan... Hiện trường có trên 500 học sinh ở 19 nhóm lớp, trong đó 100% các cháu đều ăn bán trú tại trường. Trường có 8 cô nuôi phục vụ nấu ăn cho các cháu, trong đó tất cả đều có trình độ trung cấp và sơ cấp về nấu ăn. Với giá tiền 18 nghìn đồng/ngày, nhà trường đảm bảo định xuất ăn trong ngày, thành phần các chất dinh dưỡng cân đối, năng lượng bình quân trong ngày đối với nhà trẻ từ 600 - 651 kaclo/ngày /trẻ, đối với mẫu giáo từ 615 - 726 kcalo/ ngày/trẻ. Kết quả, các tỷ lệ đánh giá về công tác nuôi dưỡng của trẻ giảm đáng kể so với đầu năm học, cụ thể là: Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 4,1%; chiều cao thấp còi giảm 0,2%; trẻ thừa cân béo phì giảm 4,1%; tỷ lệ học sinh đạt sức khỏe loại A chiếm 97%...
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 200 trường học có bếp ăn tập thể dành cho học sinh bán trú, với hàng chục nghìn học sinh các độ tuổi được ăn trưa tại trường. Trong đó, tỷ lệ học sinh mầm non ăn bán trú chiếm trên 80%, khối tiểu học chiếm khoảng 30%. Hàng năm, vào đầu mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có công văn chỉ đạo các nhà trường có học sinh ăn bán trú cần thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ y tế về đảm bảo ATTP, lựa chọn nguồn thực phẩm sạch từ những cơ sở có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và ký cam kết trách nhiệm đầy đủ. Đồng thời, với sự thỏa thuận của cha mẹ học sinh, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để bố trí đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho việc ăn bán trú tại trường. Hiện các bếp ăn trường học trên địa bàn tỉnh đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP.
Đại diện Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, qua kiểm tra bếp ăn tập thể tại các trường học bán trú hàng năm, hầu hết các trường đều chấp hành đầy đủ các quy định về giấy tờ pháp lý, hồ sơ sổ sách, nhân viên phục vụ, thực hành vệ sinh cá nhân, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn, sử dụng nguồn nước ăn - uống đảm bảo, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng… các yêu cầu về ATTP được đảm bảo theo quy định... Nhờ đó công tác ATTP ở các bếp ăn bán trú trong các trường học tương đối được đảm bảo, nhiều năm qua chưa có trường học nào trên địa bàn tỉnh xảy ra trường hợp học sinh bị ngộ độc thực phẩm tập thể. Tuy nhiên qua kiểm tra, vẫn còn một số trường chưa có đủ hồ sơ, giấy tờ pháp lý về ATTP theo quy định, việc theo dõi, lưu mẫu thức ăn hàng ngày chưa thường xuyên, ghi chép thông tin chưa đầy đủ. Một số trường bếp ăn xây dựng chưa đúng quy cách; khu vực nấu nướng, chế biến, chia thức ăn còn chật hẹp, tận dụng; trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, nấu ăn, bảo quản còn thiếu…
Để làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo ATTP trong các trường học bán trú, các nhà trường cần duy trì thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc về ATTP, quan tâm đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, nâng cao ý thức cho người thực hiện. Đồng thời các cấp, các ngành cũng cần tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện ATTP trong các nhà trường; tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất với những cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm, các bếp ăn trong trường học, từ đó kịp thời nhắc nhở, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở vi phạm… mục tiêu là đảm bảo vệ sinh, an toàn trong các bữa ăn cho học sinh, giúp các em phát triển đầy đủ cả trí lực và thể lực, tạo sự tin tưởng cho phụ huynh học sinh và xã hội.
Mỹ Hạnh