Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa để phục vụ thị trường. Tuy nhiên, thời điểm giao mùa từ đông sang xuân, ngày nắng đêm lạnh, thời tiết không ổn định, luôn ẩm, nồm là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo quản chất lượng thực phẩm. Từ đó việc nâng cao ý thức cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đòi hỏi cần được quan tâm hơn, để không xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và dư luận xã hội.
Theo đánh giá của người tiêu dùng, các loại mặt hàng phục vụ thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán tương đối đầy đủ, đa dạng, giá cả vừa phải, không xảy ra khan hiếm, cháy hàng. Người tiêu dùng đã ngày càng "thông thái" nên đã chọn mua những sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là những loại thực phẩm tươi sống. Chị Đỗ Thị Thanh Huyền, ở phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết, tiêu chuẩn đầu tiên của những người tiêu dùng như chị hiện nay là ăn ít nhưng ngon và đảm bảo sức khỏe. Do vậy, chị thường tìm đến các cửa hàng hoặc người quen buôn bán có đủ sức tin cậy để mua hàng; ngoài ra còn quan tâm đến các thông tin theo quy chuẩn công bố, như thành phần sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng… để đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và gia đình khi sử dụng sản phẩm.
Cùng Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ đầu mối, trung tâm thương mại…, trong đó tập trung vào những cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán như giò chả, hàng thủy sản tươi sống, rau sạch, các mặt hàng đồ uống, đồ khô… chúng tôi nhận thấy, phần lớn các cơ sở đã có ý thức trong sản xuất, kinh doanh để đảm bảo doanh thu cho mình và giữ uy tín cho thương hiệu, cửa hàng mà mình đã đăng ký, sử dụng sản phẩm. Tại cửa hàng Lan Xuyên, số 123, đường Vân Giang (thành phố Ninh Bình), chủ cửa hàng cho biết, cơ sở chuyên sản xuất giò chả, nem chua có thương hiệu hàng chục năm nay, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết tiếng. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất hàng tạ giò chả và nem, những ngày Tết thường tăng gấp 1,5-2 lần. Dù tăng số lượng nhưng chất lượng vẫn được cơ sở sản xuất đảm bảo, không để mất uy tín với khách hàng. Qua kiểm tra test nhanh các chỉ số cho phép trong sản xuất giò chả, cơ sở không vi phạm quá nồng độ cho phép.
Đồng chí Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân quan tâm, phối hợp thực hiện tốt. Các ngành Y tế, Nông nghiệp & PTNT, Công thương và UBND các cấp huyện, xã đã đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phổ biến kiến thức khoa học và pháp luật về ATTP cho các nhóm đối tượng, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nội dung truyền thông tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP tới chính quyền các cấp, các nhà quản lý, cán bộ làm công tác chuyên môn, người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả khảo sát, có 80% người sản xuất, chế biến thực phẩm; 81% người kinh doanh thực phẩm, 79% người tiêu dùng thực phẩm và 95,8% người lãnh đạo, quản lý có kiến thức, thực hành đúng về VSATTP.
Theo đại diện ngành Công thương, vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng lương thực, thực phẩm như bánh kẹo, đậu đỗ, giò chả, thực phẩm tươi sống… tăng từ 40-50% so với ngày thường. Để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội Xuân 2018 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP với mục tiêu tăng cường kiểm soát bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm. Mục tiêu là kiểm soát và bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018.
Theo đó, từ ngày 10/1/2018 đến hết 2/4/2018, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về ATTP. Các đơn vị liên quan như Y tế, Công thương, Nông nghiệp & PTNT, Công an, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội, có yếu tố nguy cơ cao, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; đặc biệt là các cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; tập trung kiểm tra thịt và các sản phẩm từ thịt, đặc biệt là sản phẩm giò, chả, nem, mọc… (thường hay sử dụng hàn the trong sản xuất và là sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong những ngày giáp Tết) và các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát, các loại bánh, mứt, kẹo… Cùng với đó huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân, phấn đấu không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân vui Xuân, đón Tết.
Song song với công tác thanh, kiểm tra, để tạo hiệu quả tích cực hơn nữa, trong quá trình kiểm tra về ATTP, các ngành chức năng cần triển khai đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, cung cấp kiến thức pháp luật và khoa học về ATTP cho cộng đồng; kịp thời thông tin kết quả thanh, kiểm tra về ATTP; nêu gương tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật; đồng thời phê phán, nêu tên các cơ sở, sản phẩm không đảm bảo an toàn. Hoạt động truyền thông, giáo dục cần thực hiện theo hướng đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, từng bước nâng cao ý thức người sản xuất và tiêu dùng trong thực hiện ATVSTP, đảm bảo sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Mỹ Hạnh