Qua điều tra, thống kê của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 284 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, trong đó có 251 cơ sở cố định và 33 cơ sở bán hàng rong. Chính vì đặc thù của loại hình kinh doanh này mà thức ăn đường phố chủ yếu có mặt tại các tuyến đường, nơi tập trung đông người như: trường học, bến xe… rất dễ ô nhiễm bởi khói, bụi, môi trường xung quanh do thức ăn được bày bán trực tiếp ngoài trời.
Quan sát nhiều cơ sở thức ăn đường phố, nhất là các hàng ăn sáng, hàng bán thức ăn chín có thể nhận thấy vẫn còn nhiều cơ sở chưa quan tâm đến việc che, đậy thức ăn, khi chế biến thức ăn cho khách không sử dụng găng tay, việc vệ sinh môi trường, rửa bát đũa khách ăn xong chỉ thực hiện trong một xô nước, rất mất vệ sinh…
Nhận thức rõ tầm quan trọng của thức ăn đường phố đối với đời sống sinh hoạt của con người, từ năm 2013 Chi cục An toàn thực phẩm đã triển khai xây dựng các mô hình điểm về kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh trong 2 năm (2013- 2014) với mục tiêu tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố, nâng cao trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố của các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý và người kinh doanh.
Chi cục đã chọn 5 đơn vị là phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình), phường Trung Sơn (thị xã Tam Điệp), thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư), thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh) và thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) để xây dựng mô hình điểm về thức ăn đường phố. Qua khảo sát bước đầu, tỷ lệ cơ sở đạt trên 85% các tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố rất thấp (17,6%), cao nhất là phường Thanh Bình đạt 49,2%, thị trấn Phát Diệm đạt 5,7%, thị trấn Yên Ninh đạt 14,3%, thị trấn Thiên Tôn đạt 18,2%, riêng phường Trung Sơn không có cơ sở nào đạt trên 85% tiêu chí…
Tại mỗi mô hình, Chi cục đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố đối với sức khỏe người tiêu dùng, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố. Sau tập huấn, tiến hành kiểm tra nhanh để đánh giá kiến thức học viên, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức. Đã có 422/428 người tham dự tập huấn, đạt tỷ lệ 98,6%.
Để tạo thuận lợi cho người kinh doanh, chế biến thức ăn đường phố trong việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã đã chủ trì, phối hợp với Bệnh viện huyện tổ chức khám sức khỏe cho người kinh doanh thức ăn đường phố, các địa phương đều có chính sách hỗ trợ 50% kinh phí khám sức khỏe. Do đó, 100% đối tượng đều được khám sức khỏe.
Tại các địa bàn triển khai mô hình điểm đã tiến hành cho các cơ sở ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố. 100% cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện mô hình được kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, kết hợp sử dụng test xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm, nước uống, dụng cụ chế biến phục vụ ăn uống tại các cơ sở. Tại các mô hình làm điểm, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố còn được phát găng tay để sử dụng thường xuyên trong chế biến, sản xuất thức ăn, hướng dẫn các điều kiện về thủ tục, vệ sinh môi trường, nguồn gốc thực phẩm…
Về thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư), một trong 5 mô hình điểm về thức ăn đường phố, được các cán bộ Trạm Y tế thị trấn dẫn đến thăm cơ sở kinh doanh của gia đình chị Hoàng Thị Thu Hiền ở phố Thiên Sơn. Cơ sở của chị chuyên bán đồ ăn cho học sinh trên địa bàn nên đồ ăn khá đa dạng. Chị Hiền cho biết: Trước kia do thiếu hiểu biết nên việc chế biến thức ăn cho khách tôi sử dụng bằng tay không, thức ăn chưa được che đậy cẩn thận nhưng từ khi tham gia tập huấn kiến thức, được tuyên truyền, hướng dẫn từ cán bộ của Trạm Y tế, tôi đã hiểu và biết cách đeo găng tay khi chế biến thức ăn, quan tâm nguồn gốc thực phẩm, thực hiện vệ sinh đồ dùng, dụng cụ chế biến thức ăn, việc bày bán thức ăn đảm bảo. Khách hàng mỗi khi đến mua hàng cũng yên tâm hơn.
Triển khai từ tháng 5-2013 đến nay, các mô hình điểm về thức ăn đường phố tại 5 địa phương trong tỉnh đã góp phần làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Từ mô hình điểm khi nhân ra diện rộng rất cần sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc có trách nhiệm của ngành Y tế, chủ cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố nhằm từng bước khắc phục những nhược điểm, nguy cơ tiềm ẩn của loại hình thức ăn đường phố, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Phan Hiếu