Tuy nhiên ngành nông nghiệp và bà con nông dân Ninh Bình đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, qua đó duy trì đà tăng trưởng. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.
Đảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm
Dịch bệnh khiến mọi lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, thậm chí ảnh hưởng nặng chưa từng có. Với sản xuất nông nghiệp, đó là sự khan hiếm và tăng giá của hầu hết các nguyên liệu đầu vào, giá phân bón, hoạt chất BVTV tăng, giá thức ăn chăn nuôi đều tăng….
Ở chiều ngược lại, đầu ra cho sản phẩm nông sản, thực phẩm lại bị hạn chế, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến giá vận chuyển tăng, việc kéo dài thời gian vận chuyển đến nơi tiêu thụ làm sản phẩm bị biến chất, hư hỏng, ảnh hưởng tới giá trị, ...
Trong khi đó, nông sản của chúng ta chủ yếu ở dạng rau, thủy sản tươi sống, tiêu thụ ở dạng thô mà chưa qua chế biến. Tuy nhiên, với vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân, chúng ta đã vượt lên trên những thách thức, khó khăn đó.
Bằng việc linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch; từng chuyên ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh về diện tích, tổng đàn, năng suất, sản lượng, chất lượng.
Vụ Đông Xuân 2020-2021 được đánh giá được mùa toàn diện của nông dân Ninh Bình, lúa chất lượng cao, lúa nếp chiếm tỷ lệ cao, giá bán cao hơn cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, diện tích gieo cấy đạt 39,93 nghìn ha, năng suất lúa bình quân ước khoảng 66,8 tạ/ha, cao hơn 0,3 tạ/ha so với vụ Đông Xuân 2020.
Diện tích cây ăn quả lâu năm là 6,64 nghìn ha, trong đó diện tích dứa là 4,67 nghìn ha, sản lượng thu hoạch trên 36,3 nghìn tấn, tăng gần 0,9% so cùng kỳ năm 2020. Tổng giá trị sản xuất chuyên ngành trồng trọt ước đạt 2.976,3 tỷ đồng, tăng 0,3% so cùng kỳ năm 2020.
Đối với ngành chăn nuôi, nhờ kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi cùng các biện pháp chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn tái đàn phát huy hiệu quả mà đàn lợn của tỉnh đã tăng 26,3% so với cùng kỳ, đạt gần 269,1 nghìn con. Trong khi đó, giá trị ngành hàng thịt lợn chiếm 65 -70% giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi nên đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của toàn ngành.
Ngoài ra, hiện nay, đàn dê, đàn gia cầm của chúng ta cũng tăng lần lượt 4,2 và 8%; đàn trâu, bò mặc dù bị ảnh hưởng của bệnh Viêm da nổi cục nhưng chỉ giảm nhẹ 1%. Do vậy, tổng thể, giá trị sản xuất chuyên ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm vẫn đạt trên 1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so cùng kỳ năm 2020 (6 tháng đầu năm 2020 giảm 5,5%).
Đối với ngành thủy sản - một trong những lĩnh vực mũi nhọn của Nông nghiệp, sản xuất tiếp tục phát triển ổn định, không phát sinh dịch bệnh. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 11.170,5 ha, trong đó nước ngọt là 7.800 ha, mặn lợ 3.370 ha. Sản lượng thủy sản ước gần 30 nghìn tấn, giá trị ước đạt 907,7 tỷ đồng, tăng 3,8% so cùng kỳ năm 2020.
Tựu chung, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (Theo giá so sánh năm 2010) toàn tỉnh đạt 5.257,2 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020. Việc duy trì đà tăng trưởng của ngành, không những bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho xã hội mà còn góp phần thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.
Thúc đẩy phát triển khu vực còn dư địa tăng trưởng
Mặc dù có sự tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm nhưng ngành Nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số địa phương đang phải áp dụng cách ly, phong tỏa dẫn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang tiếp tục tăng do nguyên liệu nhập khẩu khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao. Dự báo, trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi có thể tăng thêm tối thiểu 10-15% nữa, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia cầm, do thức ăn chiếm từ 65 -70% giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, một số hạn chế đã tồn tại trong ngành Nông nghiệp vẫn chưa được khắc phục như: Sản xuất còn manh mún; việc liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư chưa khuyến khích được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực...
Việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch là nhiệm vụ rất khó khăn. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Ninh Bình vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm là trên 2%, giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp đạt từ 143 triệu đồng.
Để đạt chỉ tiêu trên, ngành xác định tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hướng tới phát triển ngành theo tư duy kinh tế nông nghiệp, từng bước giải quyết bài toán về mối quan hệ giữa sản xuất và thị trường.
Trong trồng trọt, thực hiện chuyển đổi linh hoạt diện tích trồng lúa để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân. Với các loại rau, màu, cây công nghiệp, cây ăn quả, sẽ theo dõi sát tình hình thị trường tiêu thụ để chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất, rải vụ phù hợp để tránh tình trạng "được mùa mất giá". Trước mắt, tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất thắng lợi vụ Mùa, đảm bảo gieo cấy đúng thời vụ, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất vụ Đông năm 2021.
Với chăn nuôi, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục Trưởng Chi Cục chăn nuôi và Thú y cho biết, đơn vị sẽ chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiếp tục khôi phục, tăng đàn đàn lợn; ổn định phát triển đàn gia cầm và phát triển một số loại vật nuôi khác. Song song với đó, nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được ưu tiên hàng đầu.
Ông Tạ Văn Giáp, Chi cục Trưởng Chi Cục Thủy sản thông tin: Thời gian qua, sản xuất thủy sản gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn thủy sản tăng cao, trong khi đó giá cá thương phẩm giảm, đặc biệt các đối tượng thủy sản đặc sản không nhập được vào các nhà hàng, khách sạn.
Các cơ sở sản xuất hàu giống tiêu tụ kém do các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng thực hiện quy hoạch lại sản xuất. Những điều ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị cũng như tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, sản xuất thủy sản sẽ có nhiều thuận lợi hơn, bởi giá cá nước ngọt đang tăng trở lại. Từ cuối tháng 6 cũng là thời điểm tiến hành thu hoạch tôm vụ I, điều kiện thời tiết có nhiều thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát nên dự báo sản lượng sẽ đạt khá.
Ngoài ra, để đảm bảo tăng trưởng, ngành sẽ hướng dẫn các hộ nuôi ngao, hàu giống tận dụng ao ương để chuyển sang nuôi tôm. Đồng thời, tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu