23 năm gắn bó với biên giới phía Bắc
Có một thời, nhiều đồng bào ở vùng biên giới tỉnh Lai Châu gọi người sĩ quan bộ đội biên phòng Mai Văn Hải bằng cái tên trìu mến "người con của núi rừng". Nói như vậy bởi trên vùng biên bốn bề núi cao luôn có bước chân của những người lính biên phòng như anh.
Đại tá Mai Văn Hải sinh năm 1960, ở Phú Lộc (Nho Quan). Năm 1977, sau khi học xong cấp 3, Mai Văn Hải thi vào Trường Đại học Công an nhân dân vũ trang. Năm 1982, tốt nghiệp ra trường, anh là một trong những sinh viên xuất sắc được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Do đó, anh và một số sinh viên ưu tú khác được cử đi thực tế tại Lào Cai một năm. Học xong lớp nghiệp vụ giáo viên, thì tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng, có nhiều diễn biến phức tạp, theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Mai Văn Hải được phân về Cục Biên phòng Quân khu 3 (Hải Phòng).
Năm 1985, khi Cục Biên phòng Quân khu 3 giải thể, anh được cử về công tác ở Đồn Biên phòng 96 Hải Hậu (Nam Định). Năm 1987, anh được cử đi tăng cường lên biên giới phía Bắc, công tác tại đồn Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Đây cũng là địa phương xa nhất huyện. "Ấn tượng đầu tiên của tôi khi lần đầu tiên lên Vàng Ma Chải là những con đường như sợi chỉ mắc trên những triền núi chênh vênh, vì vậy mà những người lính biên phòng thường đồng hành cùng chiếc gậy Trường Sơn! Đồng bào ở đây chủ yếu là dân tộc Dao, Hà Nhì, Mông… Phong tục, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, nhà ở được dựng bằng những phên nứa xiêu vẹo, dân cư thưa thớt, lọt thỏm giữa núi đá và núi đá… đời sống vô cùng khó khăn, cực khổ. Chỉ nhìn những cảnh đó thôi đã thấy nản. Nhưng với sự quan tâm sẻ chia của lãnh đạo cấp trên, của đồng bào, đồng chí đã giúp những người lính biên phòng bám trụ lại mảnh đất khắc nghiệt này"- Đại tá Mai Văn Hải tâm sự.
Gần 5 năm công tác tại Vàng Ma Chải, ngoài việc tuyên truyền giúp bà con hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chiến sỹ Mai Văn Hải cùng đồng đội đã giúp bà con lợi dụng khe suối để đào ao thả cá, làm thủy điện để thắp sáng, để mở đài phát thanh, bà con biết lấy gỗ để làm nhà sàn ở thay cho những phên nứa tránh trú bão và gió mùa Đông Bắc.
Năm 1991, do bị gai đôi cột sống, không thể đi bộ được nữa, anh đã được ưu tiên cử về Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ). Đây là Đồn Biên phòng có các tuyến đường giao thông thuận lợi hơn, xe ô tô và xe máy có thể đi được.
Ở Đồn biên phòng Ma Lù Thàng đến năm 2000, Mai Văn Hải được chuyển về làm Trưởng Ban tổ chức Đảng của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu. 4 năm sau, khi tách tỉnh Lai Châu thành tỉnh Điện Biên và Lai Châu, anh lại được cử xuống làm Chỉ huy phó Chính trị, Bí thư Đảng ủy Tiểu khu 40 huyện Mường Tè. Đây là huyện xa nhất của tỉnh Lai Châu (cách thị xã Lai Châu 200km). Từ đây, anh được điều chuyển qua nhiều đơn vị khác như: Đồn Biên phòng 305 Hua Bum; 299 Huổi Luông…
Suốt 23 năm gắn bó với núi rừng Tây Bắc, đại tá Mai Văn Hải hiểu rõ từng địa bàn, tiếng nói, phong tục của người dân. Qua nhiều đơn vị công tác, ở cương vị nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí, đồng bào tin yêu…
Người cán bộ biên phòng mẫu mực
Kể về những kỷ niệm của mình trong nghiệp nhà binh, đại tá Mai Văn Hải tâm sự: Sau hai năm lên Lai Châu công tác, tôi được nghỉ phép về thăm nhà. Khi tôi đi thì đứa con đầu mới 1 tháng tuổi, khi về con không nhận bố. Thế là phải mất nửa tháng để cha con làm quen. Khi con đã biết nhận bố thì lại phải khoác ba lô lên đường…
Rồi những năm sống ở biên giới phía Bắc khí hậu khắc nghiệt, nhất là sau Tết, cả núi rừng Tây Bắc cuộn trong sương mù dày đặc. Đây cũng là thời gian vất vả và bận rộn của bộ đội biên phòng. Vì bệnh sốt rét vẫn còn hoành hành, những người lính biên phòng luôn phải chống chọi với những cơn sốt rét ác tính, nhiều chiến sỹ hy sinh…
Đặc biệt, đối với những người lính biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới phía Bắc thì vừa đấu tranh chống âm mưu xâm chiếm biên giới của thế lực nước ngoài lại vừa phải đấu tranh với các loại tội phạm như buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn lậu, buôn ma túy... Trong khi đó, không ít đồng bào dân tộc nhận thức còn hạn chế nên đã bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, chống phá chủ trương, đường lối, vi phạm pháp luật… Chính vì vậy, tính mạng của người lính biên phòng thường xuyên bị đe dọa. Nhưng chính trong gian khổ, khốc liệt, mỗi chiến sỹ biên phòng càng ý thức rõ về lòng tự hào dân tộc, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, đại tá Mai Văn Hải không nói nhiều về những thành tích, chiến công mà dành thời gian kể về đồng đội, đồng bào của mình. Anh luôn tâm niệm rằng, tất cả những việc mình làm đều xuất phát từ cuộc sống của nhân dân. Lấy dân làm gốc, phát triển đời sống cho nhân dân, làm tốt công tác dân vận, tạo được lòng tin tuyệt đối ở nhân dân là yếu tố quan trọng để bộ đội biên phòng hoàn thành nhiệm vụ. Với tinh thần nắm chắc địa bàn, bám sát nhân dân và bằng những việc làm cụ thể, anh cùng đồng đội đã tuyên truyền, thuyết phục đồng bào thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Đặc biệt là đã góp phần xây dựng, bồi dưỡng một thế hệ cán bộ chủ chốt cấp xã ở các huyện biên giới phía Bắc tỉnh Lai Châu vững về tư tưởng, chính trị, giỏi về tổ chức chuyên môn, quốc phòng. Trong số đó, hiện nay nhiều người đang nắm giữ cương vị chủ chốt cấp huyện.
Sau 23 năm gắn bó với biên giới phía Bắc, năm 2010, đại tá Mai Văn Hải được cử về làm Chủ nhiệm Chính trị - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình. Với tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy, anh được đồng chí, đồng đội tín nhiệm đề đạt và được cấp trên giao trọng trách làm Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh từ tháng 5-2013. Nhiều năm liền anh được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Mai Lan