Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng chúng ta tái cơ cấu nền kinh tế trong lúc bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho tiến trình tái cơ cấu không có gì đáng kể, thời gian thực hiện cũng không nhiều, vì vậy những kết quả đạt được như hiện nay là đáng ghi nhận.
Về vấn đề tái cơ cấu đầu tư công, đại biểu đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổng hợp đầy đủ, chính xác, trung thực toàn bộ vấn đề nợ xây dựng cơ bản hiện nay. Bởi theo phụ lục báo cáo của Chính Phủ, nợ của một Bộ và 16 địa phương đã lên tới gần 34 nghìn tỷ đồng, nếu cả nước hợp lại, con số thực tế sẽ rất lớn. Cần có giải pháp tập trung xử lý, nếu không xử lý được thì trong một vài năm tới sẽ có hàng loạt doanh nghiệp xây dựng đứng bên bờ vực phá sản. Vì những doanh nghiệp này đã vay tiền của ngân hàng để đầu tư xây dựng vào các công trình, nhưng chúng ta lại không có tiền để thanh toán. Cùng với đó sẽ là vấn đề nợ xấu của ngân hàng ngày một gia tăng.
Bày tỏ quan ngại về những khó khăn trong thu ngân sách, trần nợ công lớn, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng cần đẩy mạnh công tác quản lý, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút mọi thành phần tham gia kể cả đầu tư từ nước ngoài mới giảm bớt áp lực cho đầu tư công. Cụ thể, những dự án cầu, đường có thể huy động tư nhân đầu tư thì nhà nước không nên đầu tư nữa mà chỉ nên tập trung đầu tư vào những công trình thiết yếu của nền kinh tế. Khi hạ tầng của đất nước còn hạn chế, đại biểu cho rằng Chính phủ tiếp tục tìm kiếm các nguồn đầu tư từ nguồn vốn ODA, nhưng phải khắc phục được nhận thức lệch lạc và những mặt hạn chế, tiêu cực trong sử dụng nguồn vốn ODA.
Ghi nhận những kết quả trong lĩnh vực tái cơ cấu ngân hàng như: đã kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống và giữ được thanh khoản, không tạo ra những biến động lớn, xáo trộn lớn, giữ được tỷ giá, giữ được thị trường ngoại hối, bảo đảm giá trị đồng nội tệ…, đại biểu cho rằng đây là nền tảng để tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng xử lý nợ xấu không chỉ riêng của ngành Ngân hàng mà Chính phủ cần chỉ đạo tạo sự đồng thuận của cả hệ thống….
Mai Lan