Phát biểu tại tổ, các đại biểu: Nguyễn Thị Thanh, Đinh Trịnh Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) cơ bản tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật dân sự, trong đó quy định những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần quy định rõ các vấn đề về hình thức sở hữu trong dự thảo Bộ luật dân sự để bảo đảm sự thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Dự thảo cần giải thích một số thuật ngữ như: "vật quyền", "hành vi pháp lý"… rõ hơn và mang tính phổ thông để dễ hiểu, dễ thực thi. Đề nghị làm rõ hơn các quy định về hợp đồng vay tài sản (từ điều 484 đến điều 491)…
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với Bộ luật này. Theo đó sau khi Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 3/2015.
Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Bộ luật, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Trước đó, chiều ngày 12-11, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tích cực tham gia thảo luận về Luật An toàn vệ sinh lao động và Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Phát biểu thảo luận về Luật An toàn vệ sinh lao động, đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã đánh giá cao Dự án Luật đã quy định rõ việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác an toàn vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động. Về quy định thanh tra ATVSLĐ, đại biểu cho rằng chỉ thành lập thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ ở cấp trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Cơ bản nhất trí với nội dung của Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Ninh Bình cho rằng Dự thảo luật đã đáp ứng việc tăng cường và hiện đại hóa quân đội trong tình hình khu vực và trên trường quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp.
Đại biểu nhất trí với quy định về độ tuổi nhập ngũ, đại biểu đồng tình với nội dung trong dự thảo Luật: công dân nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ, độ tuổi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Và công dân học đại học được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình là đến hết 27 tuổi. Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần quy định rõ việc đối tượng đã tham gia quân đội thì được ưu tiên khi thi tuyển đại học, cao đẳng…
Chiều nay (13/11), các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về Dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Dự án Luật thú y.
Mai Lan