Phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) tán thành với nhiều nội dung đã được thể hiện trong Báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Tuy nhiên, theo đại biểu, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nhưng cần xác định rõ vị trí của Đoàn ĐBQH trong hệ thống tổ chức của Quốc hội.Để địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH được thể hiện một cách đầy đủ thì Luật cần quy định về nguyên tắc hoạt động, quyền hạn tương xứng; cần phải thể hiện rõ hơn nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số. Theo đó, cần quy định rõ Đoàn ĐBQH là một cơ cấu của Quốc hội, hoạt động tại địa phương, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu cũng cho rằng, về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH theo Dự thảo Luật thì đây mới chỉ là nhiệm vụ, quyền hạn của một hình thức để tổ chức cho các đại biểu Quốc hội hoạt động ở địa phương chứ chưa phải là một cơ cấu của Quốc hội. Do đó, khoản 2, điều 58 Dự thảo cần diễn đạt lại cho phù hợp. Cụ thể, tại điểm a, khoản 2, điều 58 cần ghi rõ: Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp công dân của đại biểu Quốc hội; phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri; điểm b, khoản 2, điều 58 cần ghi rõ: Đoàn ĐBQH thảo luận về dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác, dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Đoàn ĐBQH thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Riêng điểm d, khoản 2, điều 58 nên chuyển về mục chức trách, nhiệm vụ của lãnh đạo Đoàn ĐBQH. Đại biểu cũng đề nghị cần khái quát hóa các văn bản pháp luật hiện hành để trở thành những quy định cụ thể về quyền hạn của Đoàn ĐBQH trong Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)…
Mai Lan