Tôi vốn sinh ra ở một làng quê nghèo thuộc huyện Hoa Lư. Mang trong mình tâm nguyện của bố mẹ, lớn lên tôi theo học Trường Đại học Nông nghiệp. Ra trường về công tác ở một doanh nghiệp ở tỉnh bạn và sau 15 năm tôi quyết định chuyển nghề, về công tác tại Báo Ninh Bình.
Làm việc ở một lĩnh vực hoàn toàn mới, tôi băn khoăn, không biết bắt đầu từ đâu, chỉ biết rằng những khó khăn chồng chất đang chờ mình ở phía trước.
Ngày đó chúng tôi đi tác nghiệp vô cùng vất vả: Đường sá nhỏ, gồ ghề; phương tiện di chuyển chủ yếu bằng xe đạp; phương tiện liên lạc hầu như không có. Nhưng, với tinh thần vượt lên những khó khăn thách thức, chúng tôi luôn sẵn sàng đi mọi nơi, mọi lúc.
Trong chuyên môn tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước thông qua các tin, bài viết của họ ở trên các báo. Tôi đọc, nghiên cứu, ngẫm nghĩ về cách viết của họ…từ đó tích lũy, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, cách viết, cách thể hiện khi được giao nhiệm vụ. Buổi ban đầu, cũng có những chuyện buồn cười, những sai lầm chết người, song tôi tin những sai lầm đó sẽ không tiếp diễn…
Những vấn đề trên, được đúc rút thành kinh nghiệm và là biện pháp được áp dụng để kèm cặp phóng viên mới của phòng. Cần nói thêm rằng ở thời kỳ đó chúng tôi thể hiện ý tưởng của mình trên trang giấy trắng và cây bút chứ làm gì có máy tính, công nghệ thông tin và mạng Internet như ngày nay. Do vậy việc viết tin, bài khá vất vả, nhiều khi phải thức thâu đêm; những chỗ viết sai muốn sửa thì sử dụng công nghệ gọi là "Cắt dán" (cắt giấy vừa bằng chỗ muốn bỏ đi, dán đè lên để viết lại).
Với tôi, sau này việc tiếp cận máy tính và công nghệ thông tin còn rất khó khăn. Các em trẻ trong phòng bảo đọc, em đánh máy cho, nhưng tôi không chịu; bởi cứ như vậy thì đến khi nào mình mới sử dụng được máy vi tính trong tác nghiệp được. Kinh nghiệm cho thấy, những bài viết nào mình viết đi viết lại, đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại và bản thân mình thấy hài lòng thì được bạn đọc đón nhận và ngược lại…
Có thể thấy, nghề báo là một nghề đặc thù và có phần khắc nghiệt hơn những nghề khác, phóng viên phải chịu áp lực từ nhiều phía. Trong quá trình tác nghiệp, người phóng viên không ngại khó, ngại khổ, lăn lộn đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất để kịp thời phản ánh hơi thở của cuộc sống, là cầu nối đưa những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và ngược lại.
Công việc của phóng viên nhiều khi không kể thời gian, có khi lúc mọi người nghỉ ngơi lại là lúc phóng viên bắt tay vào viết, truyền tin, bài về cơ quan để bộ phận biên tập kịp thời xem xét. Và rồi sau mỗi bài viết ấy, các phóng viên lại bắt tay ngay vào việc khai thác tin, bài và lập kế hoạch cho số báo tiếp theo.
Dù đã công tác trong nghề nhiều năm, tôi vẫn thấy thật khó để nói hết đặc thù công việc của mình; những khó khăn, bất cập trong nghề đã trải qua. Nhiều anh chị đồng nghiệp của tôi thường nói rằng, vinh quang đến với người làm báo không phải là những giải thưởng, mà chính là ngọn lửa cháy với nghề. Do vậy chỉ có tình yêu và lòng say mê mới là động lực to lớn để trở thành nhà báo đích thực. Tôi luôn tâm niệm Đã theo "Cái nghiệp" thì yêu "lấy nghề".
Đinh Chúc