Thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tổ chức tín dụng (TCTD), Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, đến ngày 12/8, các chi nhánh Ngân hàng, TCTD trên địa bàn tỉnh đã xác định số dư nợ khách hàng bị thiệt hại là 4.820.881 triệu đồng và đã hỗ trợ cho 2.068 khách hàng bằng các hình thức như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 281 khách hàng với dư nợ 1.316.117 triệu đồng; miễn, giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ cho 24 khách hàng với dư nợ 259.522 triệu đồng, số tiền lãi đã được miễn, giảm là 201 triệu đồng; cho vay mới 1.763 khách hàng với số tiền 1.920.925 triệu đồng.
Bên cạnh việc tiếp tục rà soát số khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các Ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã triển khai các gói tín dụng phù hợp để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tính đến hết tháng 8, tổng dư nợ cho vay đạt 84.128 tỷ đồng, tăng 4,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng, TCTD đạt 28.319 tỷ đồng, chiếm 36,9%/tổng dư nợ cho vay, tăng 0,3% so với đầu năm; dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 18.600 tỷ đồng, chiếm 22,1%/tổng dư nợ cho vay, tăng 5,5% so với đầu năm; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 960 tỷ đồng, chiếm 1,2%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 179 tỷ đồng, chiếm 0,2%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 13.251 tỷ đồng, giảm 3,6% so với đầu năm, chiếm 17,2%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay phát triển du lịch đạt 1.258 tỷ đồng, chiếm 1,5%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay chính sách ước đạt 2.574 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm, chiếm 3,2% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Bên cạnh nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ khách hàng thuận lợi trong giao dịch và phù hợp với các yêu cầu trong phòng, chống dịch, các ngân hàng, TCTD trên địa bàn đã đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử. Thực hiện tốt công tác thanh toán, kế toán, quản lý tài chính. Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ, tiện ích ngân hàng tiên tiến, đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ.
Đặc biệt, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Ninh Bình tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai các biện pháp áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Một cửa điện tử tại các cơ quan, đơn vị.
Có thể thấy, với những biện pháp nhanh chóng và kịp thời, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh COVID-19, ngành Ngân hàng đã chung tay chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần ổn định tình hình kinh tế-xã hội. Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Từ nay đến cuối năm, ngành Ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh thực hiện "mục tiêu kép" là vừa đảm bảo mức tăng trưởng tín dụng phù hợp, thực thi chính sách tiền tệ góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, vừa tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Để thực hiện mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng, TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chủ động cân đối nguồn vốn để có thể cho khách hàng vay với lãi suất ưu đãi, đa dạng hóa các chương trình, các gói tín dụng phù hợp để hỗ trợ nhiều hơn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ưu tiên nguồn vốn cho các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong và sau dịch bệnh.
Mặc dù mở rộng các gói tín dụng để hỗ trợ khách hàng, song Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các chi nhánh ngân hàng, TCTD phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng. Thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TCTD cấp trên về lãi suất, phí dịch vụ; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường công tác thanh tra, giám sát các TCTD trong quá trình thực thi nhiệm vụ cung ứng tín dụng và các dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Nguyễn Thơm