Đa dạng các mô hình "Dân vận khéo" phục vụ sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương
Thứ Hai, 05/10/2020, 07:01
Zalo
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2016-2020 tiếp tục được cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội, hội quần chúng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai sâu rộng. Các mô hình "dân vận khéo" có mặt ở khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015- 2020.
Đa dạng các mô hình "Dân vận khéo" phục vụ sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương
"Dân vận khéo" để xây dựng nông thôn mới
Xã Gia Vân (huyện Gia Viễn) được công nhận xã nông thôn mới từ năm 2015. Năm 2017 xã được tỉnh, huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trước nhiệm vụ mới, Khối Dân vận Đảng ủy xã và Ban chỉ đạo phong trào thi đua "dân vận khéo" của xã đã hướng hoạt động dân vận vào thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Vẫn là phương châm "đảng viên đi trước", các nội dung triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đã được đội ngũ cán bộ xã lồng ghép hiệu quả trong tuyên truyền, vận động nên nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của người dân.
Ngay trong công tác dồn điền đổi thửa, có thôn trong xã không phải bốc thăm mà nhân dân tự thống nhất với nhau để nhận ruộng. Kết quả trên đồng ruộng Gia Vân từ 9,7 thửa/hộ đã giảm xuống còn 2,5 thửa/hộ, thuận tiện cho việc canh tác với 80% diện tích thu hoạch bằng máy gặt, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Một nhiệm vụ quan trọng ghi dấu ấn của công tác "dân vận khéo" ở Gia Vân còn thể hiện ở việc tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp. Từ việc "nói và làm để dân tin", từ năm 2016 đến năm 2019 xã đã tổ chức vận động thành công 391 hộ gia đình ở 5 thôn giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 79,74 ha để xây dựng cụm Công nghiệp. Hiện nay, cụm công nghiệp đã có 8 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất và trên địa bàn xã có 16 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút và giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động trực tiếp và hàng trăm lao động mùa vụ của địa phương.
Theo đồng chí Đinh Văn Thỏa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Gia Vân: Từ việc gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên là yếu tố quan trọng để dân tin và làm theo. Do đó, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khi triển khai đều nhận được sự đồng tình của nhân dân địa phương. Điển hình như kết quả xây dựng nông thôn mới, tổng kinh phí đầu tư là 149 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp là 21,3 tỷ đồng gồm trên 500 ngày công, hiến 403m2 đất thổ cư, trên 500m2 đất nông nghiệp, tháo dỡ 601m2 tường rào để làm đường giao thông; làm mới và nâng cấp 17 tuyến đường với chiều dài 1.797m đường bê tông, tổng giá trị các công trình trên 600 triệu đồng….
"Dân vận khéo" để xây dựng nếp sống văn minh tại khu dân cư
Với chị Trần Thị Xinh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Lộc (huyện Kim Sơn), công tác "Dân vận khéo" được chị và tập thể Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã áp dụng để huy động sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ vào việc xây dựng nếp sống văn minh tại khu dân cư.
Chị Trần Thị Xinh chia sê: Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của giới nữ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, Hội Phụ nữ xã đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, phong trào để góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Xây dựng nếp sống văn minh tại khu dân cư, Hội Phụ nữ nhận thấy đây là lúc phải phát huy cao nhất vai trò của hội viên phụ nữ trong thực hiện các nội dung của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Hội viên phụ nữ tích cực tham gia vệ sinh môi trường thôn, xóm, phố.
Qua công tác tuyên truyền, vận động, Hội Phụ nữ xã đã huy động được sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ thực hiện các mô hình: "Phụ nữ với công tác vệ sinh môi trường nông thôn"; "Đi tận ngõ, gõ từng nhà"; "thắp sáng đường Nam sông Ân"; "Đường hoa phụ nữ"; "Nhà sạch, vườn đẹp". Bản thân chị Xinh đã trực tiếp cùng cán bộ, hội viên phụ nữ vận động nhân dân trong xã tham gia các mô hình; thực hiện hướng dẫn "cầm tay chỉ việc" cho các hộ gia đình trong triển khai thực hiện các mô hình.
Từ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ trong việc xây dựng thành công 7 mô hình "dân vận khéo", đến nay nhiều gia đình trong xã đã dần thay đổi những thói quen trong sinh hoạt, sản xuất hàng ngày. Việc cưới, việc tang được người dân chấp hành tốt các quy định về nếp sống văn minh; nền nếp vệ sinh môi trường được duy trì hàng tuần; không còn rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi; hoa và cây xanh được đầu tư trồng thành bồn trước cửa nhà; đường hoa do phụ nữ đảm nhiệm đã góp phần đem lại cảnh quan sạch đẹp cho các khu dân cư của xã…
"Dân vận khéo" ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
Đó là mô hình tiêu biểu của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến lâm-Khuyến ngư tỉnh thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT có tên gọi: Mô hình "Mạ khay cấy máy". Đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm đã xây dựng mô hình với việc ứng dụng công nghệ nhằm giúp người nông dân giảm chi phí so với cấy bằng tay truyền thống. Theo tính toán, một máy cấy năng suất có thể đạt 2,5-4 ha/ngày (với 3 người vận hành), tương đương với 70-80 người cấy tay (một người cấy được 1,3 sào/ngày).
Khi triển khai mô hình cho thấy việc áp dụng biện pháp cấy máy đã giảm nhiều công lao động cho người nông dân. Đồng thời, mô hình đã góp phần đẩy nhanh cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, tiến tới cơ giới đồng bộ trong sản xuất lúa khép kín từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng, giảm giá thành sản phẩm, tạo vùng sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ngoài ra, khi áp dụng công nghệ mạ khay, cấy máy còn là điều kiện khắc phục được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan hiện nay vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững.
Từ thành công của vụ mùa ban đầu, người nông dân đã tin tưởng triển khai việc ứng dụng công nghệ. Vụ mùa năm 2019, mô hình triển khai quy mô 5 ha tại xã Trường Yên (Hoa Lư) đã có năng suất đạt 58,1 tạ/ha, tổng thu 81 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 28,6 triệu đồng/ha (cao hơn sản xuất đại trà 10,5 triệu đồng/sào. Với sự tin tưởng của người nông dân, Trung tâm đã tư vấn cho cơ sở thành lập Tổ hợp tác dịch vụ gieo mạ khay-cấy bằng máy, góp phần mở rộng diện tích lên 70 ha;
Vụ mùa năm 2020, từ kinh nghiệm của các mô hình trước, cán bộ Trung tâm đã hướng dẫn bà con nông dân cụ thể từng khâu kỹ thuật để làm chủ công nghệ nên mô hình đạt kết quả tốt và có sức lan tỏa rộng. Trên địa bàn toàn tỉnh đã có 10 máy cấy của nhiều tổ chức, cá nhân với diện tích cấy bằng máy đạt trên 100 ha… Hiệu quả rõ nhất mà người nông dân tâm đắc là lúa sau cấy bén rễ nhanh, sinh trưởng tốt, giảm sâu bệnh, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, năng suất lúa cao hơn từ 10-15% so với cấy bằng tay truyền thống…
Giai đoạn 2016- 2020 toàn tỉnh đã đăng ký xây dựng 1.045 mô hình, điển hình "dân vận khéo" trên các lĩnh vực. Sau 5 năm triển khai phong trào thi đua "dân vận khéo", Ban chỉ đạo cấp xã, cấp huyện đã tiến hành khảo sát, thẩm định, bình xét và ra quyết định công nhận cho 1.952 mô hình, điển hình "dân vận khéo". Các mô hình "dân vận khéo" đã tăng cường đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong xã hội, huy động nhiều lực lượng, nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.