Nhằm đảm bảo cho cuộc vận động có hiệu quả, Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đưa hàng về vùng sâu, vùng xa; tổ chức bán hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân- thị trường rộng lớn với gần 80% dân số sống và làm việc ở khu vực này.
Đối với loại hàng hóa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn, trong nhiều năm qua, Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình luôn hướng về địa bàn nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh. Công ty đã có những chủ trương, chính sách như: Tổ chức các hội nghị, hội thảo; xây dựng các mô hình trình diễn bón phân cho các loại cây trồng ở các địa phương; bố trí các điểm bán hàng, đại lý tại các vùng miền, khu vực nông thôn; liên kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, các HTX nông nghiệp; áp dụng các phương thức bán hàng linh hoạt tùy điều kiện từng nơi, từng vùng: trả tiền mặt, trả chậm, ký gửi, ủy thác… cùng với việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm hạ giá thành, nên chủng loại phân bón do Công ty sản xuất ra luôn chiếm được lòng tin của người nông dân với thị phần đạt từ 40-50% lượng phân lân cần dùng cho nông nghiệp của tỉnh.
Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giống cây trồng (chủ yếu là giống lúa) và thuốc BVTV. Với các chủ trương, chính sách linh hoạt, công ty đã cung ứng được 50-60% giống lúa lai cho các địa phương trong tỉnh ở mỗi vụ sản xuất, góp phần tích cực vào sự thắng lợi của sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong các năm qua. Hiện nay, Công ty là đơn vị chuyên sản xuất, cung ứng giống lúa thuần chất lượng cao (QR1, QR2, DQ11...), không chỉ đảm bảo cung ứng trên địa bàn tỉnh mà còn đáp ứng nhu cầu của tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ở lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, ngoại trừ loại hàng hóa lương thực, thực phẩm vốn là thế mạnh của vùng nông thôn thì các loại hàng hóa quần áo, giầy dép, đồ uống… ít được các doanh nghiệp quan tâm đến. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ là thời điểm mà nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa tiêu dùng của người nông dân, vùng nông thôn tăng cao, nhất là các loại hàng hóa: Rượu bia, bánh kẹo, quần áo, giầy dép, thịt lợn, thịt gà, giò chả… Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ loại hàng hóa trên địa bàn tỉnh đưa hàng về vùng nông thôn.
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chỉ tính riêng loại hàng hóa thiết yếu, tỉnh đã bố trí 5 doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn tổ chức 81 điểm bán hàng nhằm bình ổn giá 6 mặt hàng và 136 loại sản phẩm. Trong đó các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, như: Nho Quan có 6 điểm, Kim Sơn 13 điểm, Yên Mô 9 điểm, Yên Khánh 14 điểm, Gia Viễn 9 điểm...
Theo kinh nghiệm của một số doanh nghiệp và địa phương Tỉnh bạn thì họ tổ chức thành các đoàn đưa hàng về các vùng miền, bán hàng lưu động ngay trên xe ôtô hoặc thuê mượn một địa điểm nào đó. Về lâu dài các doanh nghiệp cần bố trí các cửa hàng, đại lý cho doanh nghiệp mình ở địa bàn rộng lớn này. Đi đôi với việc đưa hàng về thì cần có phương thức bán hàng hợp lý và giá cả phù hợp với túi tiền của người nông dân. Đây cũng là cách đã khẳng định thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp ở địa bàn nông thôn - thị trường rộng lớn vẫn còn bỏ ngỏ. Hơn tất cả là góp phần vào thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân; Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đưa nông thôn tiến kịp thành thị mà Đảng và Nhà nước ta vẫn hằng quan tâm.
Đinh Chúc