Cựu chiến binh Vũ Thế Huân: Người đưa cây bưởi Luận Văn về trồng trên đất Yên Nhân
Thứ Hai, 05/12/2022, 02:10
Zalo
Mang trong mình khí chất của người lính Cụ Hồ, mạnh dạn trong suy nghĩ, quyết tâm trong hành động, cựu chiến binh (CCB) Vũ Thế Huân, xóm Tây Hà, xã Yên Nhân (huyện Yên Mô) đã có nhiều năm đi đầu trong phát triển kinh tế bằng việc đưa các cây, con mới về nuôi trồng thử nghiệm tại xã Yên Nhân. Gần đây nhất, CCB Vũ Thế Huân mạnh dạn trồng gần 200 gốc bưởi Luận Văn, năm nay là vụ thứ 2 cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa.
Cựu chiến binh Vũ Thế Huân: Người đưa cây bưởi Luận Văn về trồng trên đất Yên Nhân
CCB Vũ Thế Huân cho biết: Ông từng có thời gian hơn 10 năm tham gia quân ngũ bên đất nước Lào, Camphuchia, ra quân với thương tật thuộc đối tượng bệnh binh 2, nhiễm chất độc hóa học. Trở về quê hương, không cam chịu đói nghèo, giai đoạn còn trẻ khỏe, ông và gia đình đi đầu trong việc đưa vào gieo cấy 3 vụ lúa, rồi thử nghiệm nuôi các con đặc sản như kỳ đà, rắn, cá sấu; trồng keo... Mặc dù đầu tư cho chăn nuôi có được có mất, nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập khá, đủ nuôi các con ăn học và xây dựng được ngôi nhà kiên cố, mua sắm các tiện nghi phục vụ sinh hoạt, đời sống gia đình.
"Từ năm 2017, khi các con khôn lớn, lập gia đình rồi ở riêng. Trong khi sức khỏe không còn như trước, tôi không chăn nuôi các con đặc sản nữa mà tính toán chuyển sang trồng cây ăn quả lưu niên để đỡ vất vả, cho thu nhập ổn định. Tôi tìm hiểu từ các nguồn thông tin, qua bạn bè, trên mạng Internet, rồi đi thực tế tại một số mô hình trong và ngoài tỉnh, nhận thấy chất đất tại Yên Nhân phù hợp với cây bưởi Luận Văn (còn gọi là bưởi tiến Vua), có nguồn gốc từ làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là giống bưởi ngon, từng là sản vật tiến Vua thời hậu Lê, nên tôi vào tận nơi, gốc gác của cây bưởi để lấy giống về trồng..." - CCB Vũ Thế Huân chia sẻ.
Cũng theo CCB Vũ Thế Huân, qua tìm hiểu từ trường Đại học Nông nghiệp 1, ông biết được, bưởi Luận Văn đang là giống bưởi ngon, không cần cầu kỳ về kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc, nhưng cho giá trị kinh tế cao, được người dân nhiều nơi đưa vào trồng và cho thấy phù hợp với nhiều đồng đất địa phương. Một đặc điểm khác hẳn so với các loại bưởi khác đó là quả bưởi đỏ Luận Văn khi nhỏ có màu xanh, nhưng khi chín chuyển dần sang màu đỏ gấc. Vỏ quả, cùi quả, vỏ múi đều có màu đỏ rất đẹp mắt. Múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, ngọt, hương thơm đặc trưng...
Ngoài giá trị kinh tế cao, quả bưởi đỏ Luận Văn được xem là một biểu tượng của sự may mắn tài lộc nên được rất nhiều người dân lựa chọn trong việc thờ cúng những ngày lễ, Tết. Với nhiều ưu điểm vượt trội, nên hiện cây bưởi đỏ Luận Văn được nhân rộng ra nhiều địa phương ngoài tỉnh Thanh Hóa. Tại xã Yên Nhân, CCB Vũ Thế Huân là người tiên phong, đi đầu trong việc mạnh dạn áp dụng kỹ thuật trồng loại bưởi này nhằm cải thiện đời sống kinh tế gia đình.
Với diện tích hơn 9 sào đất, năm 2017, CCB Vũ Thế Huân đưa vào trồng 170 cây bưởi Luận Văn. Sau 4 năm trồng và chăm sóc theo quy trình và hướng dẫn kỹ thuật của trường Đại học Nông nghiệp 1, đến năm 2021, bưởi cho thu hoạch vụ đầu tiên, mang về thu nhập trên 70 triệu đồng. Năm nay, bưởi tiếp tục sai quả, ông Huân bắt đầu thu hoạch từ rằm tháng Tám, phục vụ dịp Tết Trung thu, đến nay đã thu về số tiền trên 80 triệu đồng, còn một phần quả ra sau, ông Huân tích cực chăm bón để bán vào dịp Tết Nguyên đán, dự kiến mang về nguồn thu nhập gần trăm triệu đồng. So với trồng keo, trồng lúa thời gian trước, cho thu lãi gấp 4-5 lần.
Cây bưởi Luận Văn bước đầu cho thấy khá phù hợp khi trồng tại đất Yên Nhân.
Qua thời gian đưa vào trồng cây bưởi tiến Vua trên đất Yên Nhân, CCB Vũ Thế Huân nhận thấy, cây bưởi này dễ trồng, không tốn nhiều công lao động cũng như chi phí đầu tư, nhưng lại cho giá trị kinh tế rất khá. Theo ông Huân, cây bưởi này cho thấy phù hợp với những gia đình có diện tích đất rộng nhưng không có nhiều lao động để làm. Một ưu điểm vượt trội của bưởi đỏ Luận Văn là không cần phải thụ phấn, tự nó có thể thụ phấn để đậu quả. Hơn nữa, trồng bưởi là cây ăn quả lưu niên, không cần gấp gáp về thời gian, không hề vất vả trong quá trình chăm sóc cũng như thu hoạch.
Cũng qua một thời gian trồng và 2 vụ đầu tiên cho thu hoạch, CCB Vũ Thế Huân nhận thấy, cần rút ra một vài kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc bưởi. Đó là cần tìm hiểu về quá trình thụ phấn, đậu quả và phát triển để xử lý quả chín vào đúng thời điểm; đồng thời, căn cứ số quả trên 1 cây để cắt tỉa bớt quả, chỉ để vừa phải, sẽ có những quả bưởi tròn, ngon, đẹp..., khi thu hoạch sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Cùng với đó, cũng cần nắm chắc kỹ thuật để bón phân, tưới nước đúng thời điểm bưởi phát triển tốt nhất, không để bưởi bị sắt vỏ hoặc khô múi...
Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho mô hình trồng bưởi Luận Văn, CCB Vũ Thế Huân dự định kết hợp thêm chăn nuôi gia cầm dưới các gốc cây bưởi. Hiện ông đã chăng lưới khoanh vùng toàn bộ diện tích trồng bưởi, sắp tới mua 100 con ngỗng, hàng trăm con gà Tây, gà ta... để nuôi dưới các gốc bưởi, vừa để ngỗng, gà có thể ăn cỏ để dọn bớt cỏ dưới các gốc bưởi, tìm kiếm thức ăn giun, sâu tại vườn, vừa cho tăng thêm thu nhập. Đây được coi là hướng đi đúng, đã có nhiều mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi được thực hiện và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn chỉ trồng riêng nguyên cây bưởi.
Ông Lê Văn Công, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Yên Nhân (huyện Yên Mô) cho biết: CCB Vũ Thế Huân là người dám nghĩ, dám làm và rất chăm chỉ, mạnh dạn trong phát triển kinh tế tại địa phương. Trước đây, ông cũng đã thử nghiệm các mô hình chăn nuôi con đặc sản, trồng một số loại cây trồng mới tại địa phương như trồng keo, trồng mít... Gần đây, ông Huân cũng là người mạnh dạn đưa cây bưởi đỏ vào trồng ở đất Yên Nhân. Mô hình này bước đầu cho thấy hiệu quả hơn nhiều cây trồng khác.
"Chúng tôi luôn nêu gương và tạo điều kiện cho những CCB dám nghĩ, dám làm để phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu sản xuất cho địa phương. Với trách nhiệm của tổ chức Hội, chúng tôi cũng tạo điều kiện hết mức về nguồn vốn, kỹ thuật cho các CCB có nhu cầu phát triển kinh tế gia đình. Với mô hình trồng bưởi Luận Văn của đồng chí Huân, Hội đã mời các CCB đến học tập, trao đổi kinh nghiệm. Những hội viên có quỹ đất, có nhu cầu phát triển kinh tế bằng trồng bưởi, sẽ được tạo điều kiện, hỗ trợ về kỹ thuật và cây giống, nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên CCB trong xã..." - ông Công khẳng định.