Những ngày tháng Tư lịch sử, những ký ức về đồng đội, về chiến trường xưa lại ùa về trong tâm trí người cựu chiến binh An Việt Lâm. Năm nay đã 75 tuổi, nhưng trí tuệ ông Lâm vẫn tinh tường, giọng nói sang sảng, khỏe mạnh, bước đi mạnh mẽ, giữ đúng tác phong của người quân nhân.
Là người con xã Khánh Dương (huyện Yên Mô), năm 1965, khi đủ 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thanh niên An Việt Lâm lên đường nhập ngũ. Đến tháng 8/1965 đi Nam chiến đấu ở đơn vị thanh niên xung phong K53 Quân khu Trị Thiên, làm nhiệm vụ trinh sát và trợ lý văn thư-lưu trữ. Năm 1967, vào văn phòng Bộ Tư lệnh làm trợ lý, rồi Trưởng ban văn thư - lưu trữ Quân khu Trị Thiên. Đến năm 1978 làm Trưởng ban Bảo mật-văn thư Tổng cục chính trị. Năm 1983 chuyển về công tác, làm Trưởng ban Bảo mật Quân đoàn 1 đến năm 1993 về nghỉ hưu.
Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời quân ngũ của mình, cựu chiến binh An Việt Lâm cho biết, đó chính là khoảng thời gian ông lập công trong Chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Ông cho biết: Trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, do có nghiệp vụ văn thư-lưu trữ và được cấp trên tin tưởng, tôi cùng 2 trinh sát được giao nhiệm vụ đi sát mũi chiến đấu của Trung đoàn 6 vào thành phố Huế, đặc biệt là vào khu trung tâm hành quân của Quân đoàn 1 Việt Nam Cộng hòa lấy được tài liệu và con dấu của địch.
Thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh chiến đấu ác liệt giữa ta và địch. Khi tiếp cận được phòng Chỉ huy địch, bằng nghiệp vụ của mình, chúng tôi đã quyết tâm lấy được tất cả những tài liệu mật của địch tại đây, như bản đồ chiến lược, một số tài liệu về nộp cho Quân khu. Tài liệu tôi cùng đồng đội lấy được được cấp trên đánh giá rất chính xác, có giá trị về thông tin cấp 1 (có dấu đỏ), đóng góp cho Quân khu chiến thắng.
Với những thành tích trong công tác, cựu chiến binh An Việt Lâm đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Năm 1975, được Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba vì đã có thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chống Mỹ cứu nước. Năm 1995, được Chủ tịch nước thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Năm 2012, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Quân kỳ Quyết thắng; được UBND tỉnh Quảng Trị tặng Kỷ niệm chương chiến sĩ Bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972…
Hơn cả thành tích cá nhân, niềm tự hào của cựu chiến binh An Việt Lâm chính là đã được công tác, góp sức lực, trí tuệ cùng đồng đội tại đơn vị thanh niên xung phong K53 Quân khu Trị Thiên, góp phần thành công, giành chiến thắng cho cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc. Năm 2010, đơn vị K53 được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam".
Cựu chiến binh An Việt Lâm đã có bài viết trong cuốn sách "Hội thảo khoa học-thực tiễn tư tưởng Hồ Chí Minh về trường học lớn thanh niên xung phong" của Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh - xuất bản năm 2016.
Trong bài viết, ông nhấn mạnh thành tích của Đội thanh niên xung phong K53, làm nhiệm vụ công tác vận tải - chủ yếu là vận chuyển gùi cõng bộ hàng hóa, cáng thương, đưa đón bộ đội, dân chính, các đoàn khách đặc biệt của Trung ương - quân đội và quốc tế qua "Đường dây vận chuyển quân sự Bắc Sơn" đảm nhiệm từ Bắc sông Bến Hải đến đèo Hải Vân". Đó là những thành tích tự hào mang theo cả cuộc đời của cựu chiến binh An Việt Lâm, là động lực để ông phấn đấu, cống hiến và trưởng thành trong cuộc đời quân ngũ.
Phát huy thành tích, bản lĩnh người lính năm xưa, khi về nghỉ chế độ tại địa phương, cựu chiến binh An Việt Lâm tiếp tục tham gia công tác xã hội. Từ năm 1994-2003, ông là Bí thư Chi bộ Tổ 18 phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp. Từ năm 2010 đến nay, ông tham gia cấp ủy, là Bí thư Chi bộ phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Ở bất cứ vị trí cũng như địa phương công tác, cựu chiến binh An Việt Lam luôn nhiệt huyết, phát huy trí tuệ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng khu phố văn hóa, chi bộ vững mạnh và các hoạt động của Hội Cựu chiến binh cũng như các phong trào, hoạt động tại địa phương.
Bài, ảnh: Tiến Minh