Từ trung tâm xã, chưa đầy 10 phút đi bằng ô tô, chúng tôi đã đến được nhà ông Trần Minh Ngọc, Bí thư chi bộ thôn Hạnh Phúc. Pha trà mời khách, ông Ngọc vui vẻ cho biết: Bây giờ trong thôn đã đổi thay nhiều. Trước đây, đời sống bà con trong thôn khổ lắm! Xưa kia, chốn này là rừng thiêng, nước độc, nhà tranh, vách nứa thưa thớt, heo hút. Toàn thôn có diện tích gần 2 km2, được bao bọc bởi dãy núi đá vôi trải dài hơn 2 km và hồ Vườn Điều (rộng hơn 30h).
Đất đai ở đây khá cằn cỗi, thiên nhiên khắc nghiệt. Con đường độc bộ từ trung tâm xã vào thôn nhỏ hẹp, gập gềnh, trơn trượt, phải mất hàng chục phút đồng hồ mới đến được đến trung tâm thôn. Vào mùa mưa lũ, cả thôn liền bị chia cắt, thường xuyên bị cô lập, có thời điểm ngập lụt hàng tháng trời nước mới rút được.
Địa bàn trải rộng, dân cư thưa thớt và không tập trung, sản xuất nông nghiệp ở đây phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, trong khi đó trình độ canh tác lại không đồng đều, lạc hậu, vì vậy thôn Hạnh Phúc được liệt vào thôn đặc biệt khó khăn.
"Gian khó là vậy, nhưng người dân chúng tôi vẫn rất thủy chung với mảnh đất này, bởi hầu hết đều là nông dân hay lam, hay làm. Hôm nay, các nhà báo đến được đây bằng ô tô là cả một sự nỗ lực lớn. Đó là nhờ vào sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự chung sức đồng lòng của mỗi người dân"- ông Trần Minh Ngọc khẳng định.
Cũng theo đồng chí Bí thư chi bộ thôn Hạnh Phúc, việc bê tông hóa và mở rộng con đường độc bộ vào thôn Hạnh Phúc đến đập hồ Vườn Điều được xem là yếu tố quan trọng giúp nhân dân trong thôn thoát được cảnh sống trong ngập lụt, bởi đây là tuyến đường kênh thoát lũ, ngăn nước từ đầu nguồn đổ về hồ Vườn Điều. Từ đây, nhân dân đã chủ động hơn được trong sản xuất, sinh hoạt.
Để giúp nhân dân vươn lên thoát nghèo, chi bộ xác định yếu tố quan trọng là phải làm thay đổi nhận thức, khuyến khích người dân dám nghĩ, dám làm, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, đẩy mạnh thâm canh, tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT.
Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, chi bộ lãnh đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch vùng sản xuất lúa tái sinh, sản xuất lúa - cá; vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích cấy lúa và trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn đồi, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Năng suất lúa không ngừng tăng, vụ chiêm xuân trung bình hàng năm đã đạt 61tạ/ha, tăng gấp nhiều lần so với 10 năm trước.
Giờ đây, trên đồng đất của thôn không chỉ có cây lúa, củ sắn, củ khoai mà còn xuất hiện cả những cây trồng mới như ngô ngọt, na, nhãn, vải, rau mầu các loại. Hàng năm, tổng sản lượng lương thực bình quân cả năm đạt 360 tấn, nhân dân đã không còn cảnh thiếu đói giáp hạt, bình quân lương thực đầu người đã đạt 460 kg/người/ năm.
Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, Chi bộ còn tập trung lãnh đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông thôn, động viên nhân dân tích cực tham gia các ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Đến nay trong thôn có 8 máy làm đất, 4 máy tuốt lúa, 7 hộ có xe ô tô du lịch. Tổng thu nhập từ ngành nghề ước đạt 15 tỷ đồng/năm. Toàn thôn hiện có hơn 200 lao động tham gia các nghề như may mặc, giày da, xây dựng… tại các công ty, nhà máy ở trong và ngoài tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương.
Đặc biệt, trong nhiều năm trở lại đây, Chi bộ thôn Hạnh Phúc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tham gia cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhân dân trong thôn đã tích cực tham gia hiến công, hiến kế để làm đường giao thông nông thôn, nhiều hộ đã tham gia hiến đất để mở rộng đường, kênh mương và giao thông nội đồng với tổng diện tích là trên 4.800 m2; tham gia đóng góp ngày công, kinh phí để nâng cấp, xây mới nhà văn hóa thôn; thực hiện trồng, chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường…
Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đã giúp nhân dân thấy được trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng nông thôn mới. Bà con trong thôn đã quan tâm nhiều đến sự học, tích cực đầu tư mua sách, vở, đồ dùng học tập và tạo mọi điều kiện cho con em đến trường. Sự thay đổi nhận thức, đầu tư cho con cái học hành là không dễ gì có được. Đó là điều đáng mừng ở nơi rừng núi hẻo lánh này…
Hiện nay, 100% số học sinh trong độ tuổi được đến trường. Từ năm 2017, trở lại đây, năm nào thôn cũng có học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng, nhiều cháu đạt học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện.
Điều ghi nhận tại đây là mỗi người, mỗi gia đình đều góp nên sức mạnh đoàn kết, hăng say lao động sản xuất, vượt khó và vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều năm liền thôn Hạnh Phúc được công nhận là khu dân cư văn hóa, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện nâng cao.
Hiện toàn thôn có 205 hộ với 813 khẩu, 13 hộ là đồng bào dân tộc Mường, trong đó 80% số hộ có nhà ở kiên cố, 100% hộ được dùng nước hợp vệ sinh; trên 84% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, hộ nghèo chỉ còn 4 hộ.
Năm 2017, thôn Hạnh Phúc được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới, góp phần sớm đưa Gia Sơn trở thành xã nông thôn mới, sớm hơn so với kế hoạch 3 năm. Thôn Hạnh Phúc giờ đã không còn là thôn đặc biệt khó khăn mà thay vào đó là cuộc sống mới của khu dân cư nông thôn mới, ấm no, hạnh phúc và bình yên.
Mai Lan - Trường Giang