Anh Nguyễn Văn Thúy hiện là Phó Giám đốc sản xuất của Công ty TNHH Giầy Adora Việt Nam - một vị trí quan trọng có tính chất quyết định đến việc hoàn thành các đơn hàng, góp phần giữ uy tín cho doanh nghiệp. Nhưng ít ai biết được xuất thân của người lãnh đạo này chỉ là một nông dân chưa học xong lớp 10. Anh Thúy nhớ lại: Vì nhà quá nghèo, lại thương mẹ già, em thơ quanh năm suốt tháng cứ phải chạy ăn từng bữa, năm lớp 10 tôi đã xin nghỉ học để đi làm. Nhưng bạn biết rồi đấy, cách đây hơn chục năm Ninh Bình làm gì đã có nhiều nhà máy, xí nghiệp để những thanh niên như tôi có cơ hội tìm kiếm việc làm. Trong khi đó vốn liếng chẳng có, kinh nghiệm thực tế lại càng không, tôi cứ loay hoay với những công việc không tên, ai thuê gì làm nấy, vậy nên cuộc sống khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Tôi nhớ cứ mỗi độ Tết đến xuân về, thay bằng niềm vui đón chào năm mới lại là những nỗi lo âu về cái ăn cái mặc cho từng thành viên trong gia đình… Bế tắc với chính mình, tôi chọn việc rời xa quê hương vào Sài Gòn lập nghiệp. Chục năm ở xứ người, được về quê đón Tết với tôi dường như là một điều quá xa xỉ. Chỉ tính riêng tiền xe cộ đi lại đã mất cả triệu bạc, gần bằng một tháng lương vậy nên tôi thường ở lại để dành dụm tiền gửi về cho mẹ, cho em có được cái Tết tươm tất hơn. Đã ở xa gia đình, xa quê hương, lại vào đúng dịp Tết Nguyên đán khi nhìn nhà nhà, người người đi sắm Tết, du xuân tôi cũng như nhiều anh em công nhân khác không tránh khỏi những phút giây chạnh lòng. Năm 2010, qua thông tin từ gia đình, bạn bè tôi biết quê nhà giờ đã phát triển, nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng, do đó tôi quyết định trở về với hy vọng có được công việc gần nhà để tiện chăm sóc mẹ già. Tôi được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH Giầy Adora Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Điệp), tuy việc đi lại chưa thuận tiện lắm nhưng so với trước đây thì là một sự thay đổi lớn.
Với sự cần cù, chăm chỉ anh Thúy nhanh chóng bắt nhịp được với công việc mới. Nhưng anh nhận thấy rào cản lớn nhất khi làm việc ở doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài là bất đồng ngôn ngữ. Anh tự mình mày mò học thêm tiếng Trung để thuận cho việc giao tiếp hàng ngày. Nhiều băn khoăn, thắc mắc, thậm chí là bất đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động tại doanh nghiệp đã được hóa giải nhờ vốn ngoại ngữ ngày càng thông thạo của anh Thúy. Nhờ vậy anh được giao giữ chức quản đốc sản xuất, chịu trách nhiệm quản lý 10 tổ sản xuất giầy. Nhiều năm liền, các bộ phận do anh Thúy quản lý luôn hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín của Công ty, của nhãn hàng Convers. Đến năm 2014 anh tiếp tục được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc sản xuất của Công ty. Với gia đình anh, ngoài việc mức sống đã được cải thiện đáng kể thì đây còn là niềm vinh dự lớn.
Cũng xuất thân là một người nông dân, chị Nguyễn Thị Lụa, ở xã Gia Phương (Gia Viễn) nay đã rời tay cày, tay cuốc làm công nhân ở Công ty Has Fashion (Khu công nghiệp Gián Khẩu) chuyên sản xuất đồ kim hoàn và các chi tiết liên quan. Chị Lụa nhớ lại, hồi còn làm nông nghiệp, năm nào cũng lo bão gió, nếu may mắn được mùa thì lại lo mất giá… nên dù có chăm chỉ đến mấy cũng không giúp gia đình chị ổn định cuộc sống nếu chỉ trông vào cây lúa. Vậy là khi có thông tin tuyển dụng của Công ty, chị Lụa và một số chị em khác trong xã đã đi ứng tuyển. Chị Đinh Thị Hường, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Trời cũng phú cho những người phụ nữ này vừa có sức khỏe lại sáng dạ và khéo tay, theo thợ lành nghề của công ty mấy hôm đã làm thuần thục mọi công đoạn. Cái đáng quý ở đây là khi rời tay cày, tay cuốc họ đã không chọn những việc giản đơn theo kiểu "bán sức" lấy tiền mà theo nhau học lấy cái nghề, thậm chí là nghề có kỹ thuật để kiếm sống lâu dài.
Được biết mức lương bình quân của các chị hiện nay khoảng hơn 4 triệu đồng/ người/ tháng, người có tay nghề cao thì mức lương nhỉnh hơn. Chị Lụa phấn khởi: Thu nhập của đại bộ phận người lao động ở đây đã khá hơn so với mặt bằng chung và cao hơn hẳn so với làm ruộng. Với mức thu nhập ấy, cuộc sống của gia đình tôi bớt khó khăn rất nhiều. Trước đây cũng có khoảng thời gian tôi từng phải đi làm ăn xa nhưng cái cảnh một nhà 3, 4 niêu, rồi còn đủ các loại chi phí đi lại, thuê trọ… nên cuộc sống khá chật vật. Thậm chí nhiều cái Tết gia đình còn chẳng được sum vầy, đoàn tụ với nhau vì khoảng cách địa lý, vì thiếu thốn tiền bạc. Mấy mùa Tết gần đây mọi thứ đã khác, nhờ có việc làm tại khu công nghiệp, gia đình tôi đã có của ăn của để, Tết đến xuân về cũng no đủ hơn. Dẫn chúng tôi thăm ngôi nhà mới khang trang vừa được hoàn thành trước dịp Tết Nguyên đán, chị Lụa nói: Cũng còn phải đi vay mượn một chút mới xây cất được căn nhà này nhưng với chúng tôi đây là sự đổi thay không hề nhỏ chút nào. Khi còn làm nông nghiệp, có những năm mất mùa còn phải chạy ăn từng bữa, nào dám nghĩ tới chuyện xây nhà, mua xe như bây giờ. Đặc biệt mỗi dịp Tết, ngoài chế độ tiền thưởng, Công ty còn có các phần quà ý nghĩa dành cho cha mẹ già của chúng tôi, các cụ rất phấn khởi...
Với những hoàn cảnh như của anh Thúy, chị Lụa và với hơn 30 nghìn lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn, mà trong số đó có không ít người từng là nông dân, nay đã hết cảnh lam lũ, bớt hẳn chuyện chân lấm tay bùn khoác lên mình những bộ quần áo công nhân gọn gàng, tươm tất thì có thể thấy việc giải được bài toán "ly nông bất ly hương" mang tới nhiều lợi ích thiết thực. Được biết, mỗi năm toàn tỉnh lại có thêm khoảng gần 4.000 lao động có việc làm mới tại các khu, cụm công nghiệp với mức lương trung bình trên 3 triệu đồng/tháng, nhiều doanh nghiệp mức lương trả cho người lao động có thâm niên, có tay nghề đã lên tới hàng chục triệu đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân không phải xa quê nhưng vẫn có cuộc sống ổn định, phát triển. Hy vọng trong năm mới, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, có thêm nhiều giải pháp để giúp người dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Duy Hiền