Trước đây, cứ đến vụ sản xuất, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng, ở xã Trường Yên (Hoa Lư) lại chạy đôn chạy đáo vay tiền để mua phân bón. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi Hội Nông dân xã triển khai chương trình liên kết với doanh nghiệp, tín chấp cung ứng phân bón trả chậm cho các hội viên, gia đình chị Hồng không còn phải lo lắng về khoản vốn đầu tư trước mắt nữa bởi sau khi thu hoạch, chị mới phải tính đến chuyện chi trả.
Cũng như gia đình chị Hồng, hộ ông Lâm Văn Nam (thị trấn Yên Ninh, Yên Khánh) trước đây thường phải mua nợ phân bón ở các đại lý với lãi suất cao, thậm chí ông còn khá lúng túng trong việc lựa chọn loại phân bón phù hợp cho ruộng lúa của gia đình mình. Giờ đây mọi việc đã thuận lợi hơn rất nhiều khi Hội Nông dân thị trấn giúp ông và nhiều hội viên khác được mua phân bón trả chậm.
Mặt khác, vì ký kết trực tiếp với tổ chức Hội, không phải qua nhiều khâu trung gian nên giá phân bón rất hợp lý. Điều làm ông và bà con địa phương cảm thấy vui hơn cả là có Hội nông dân đứng ra tín chấp nên càng yên tâm về chất lượng phân bón, không lo phân bón giả, kém chất lượng.
Được biết, trước mỗi vụ, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp hội nắm bắt nhu cầu thực tế, thông báo cho bà con nông dân về giá cả, đồng thời có trách nhiệm giao hàng cho hội viên và thu hồi nợ khi đến hạn theo quy định. Đến nay, đã có trên 50 cơ sở Hội ký hợp đồng tiêu thụ phân bón với số lượng hơn 10.000 tấn, trị giá trên 60 tỷ đồng.
Hội viên nông dân phấn khởi vì được hưởng lợi từ mua phân bón trả chậm không phải trả lãi từ 5 đến 6 tháng, giá rẻ hơn so với phân bón các loại của công ty khác mà vẫn đảm bảo được chất lượng. Bao bì đóng gói gọn nhẹ, đủ số lượng, thuận tiện cho người sử dụng, giảm chi phí đầu vào, nông dân được cung ứng kịp thời theo yêu cầu về thời vụ và quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, không lo thiếu phân bón để canh tác, chủ động chăm sóc cây trồng đúng kỹ thuật.
Đặc biệt, Tổng đại lý Đức Trọng đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tổ chức được hơn 100 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 150 nghìn lượt nông dân về kỹ thuật sử dụng phân bón ở từng thời vụ, từng chân đất và ở các loại cây trồng khác nhau. Từ đó giúp nông dân chuyển đổi từ tập quán sử dụng phân bón đơn, phân bón kém hiệu quả sang bón phân Con ó đúng cách, đúng lúc, đúng chủng loại, đủ liều lượng, đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Công ty cổ phần phân bón Miền Nam đã hỗ trợ hàng chục tấn phân bón và tổ chức tập huấn kỹ thuật để xây dựng 45 mô hình trình diễn sử dụng phân bón NPK Con ó, đặc biệt là mô hình cấy lúa với diện tích 2 ha tại xã Yên Phong, huyện Yên Mô. Qua mô hình trình diễn cho thấy dùng phân bón NPK Con ó đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của cây lúa, năng suất tăng từ 10-12% (so với phân bón đơn và các loại phân bón khác), đồng thời tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, chống lốp đổ, làm tơi xốp đất, giảm chi phí.
Kết quả từ mô hình trình diễn đã tạo niềm tin cho bà con nông dân. Nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư, thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật của Công ty cho năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế tăng cao, thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh: Chương trình phối hợp cung ứng phân bón trả chậm đã góp phần cung cấp và trang bị cho nông dân, nhất là nông dân nghèo, vùng sâu, vùng xa có vốn và kiến thức KHKT để sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, hình thành nhiều mô hình sản xuất giỏi, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đào Duy