Không có hiện tượng tích trữ hàng hóa Dạo quanh các đại lý, siêu thị bán hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Ninh Bình chiều ngày 31/3 chúng tôi không thấy có sự bất thường, tranh mua, tranh bán để tích trữ hàng hóa của người dân. Ông Nguyễn Hữu Hải, đại diện siêu thị Big C Ninh Bình cho biết: Đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ tháng trước, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu như: mỳ tôm, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng... Doanh nghiệp đảm bảo sẽ không có hiện tượng tăng giá, găm hàng để tạo khan hiếm ảo, đồng thời để hỗ trợ người dân trong thời gian cách ly, doanh nghiệp sẽ tăng cường bán hàng qua điện thoại, giao hàng tận nhà cho khách trong tỉnh.
Tại các chợ truyền thống việc mua bán có phần sôi động hơn mấy ngày trước, mặt hàng bán chạy nhất vẫn là thịt lợn, thịt bò, rau quả... Tại chợ Tân Thành, chị Như, kinh doanh mặt hàng thịt lợn cho biết: những ngày vừa qua lượng thịt bán ra khá ổn định, chiều nay người mua hàng nhiều hơn nên tôi hết sớm, nhưng cũng không thịt thêm lợn, tôi nghĩ tình hình sẽ lại ổn định.
Ông Nguyễn Văn Dũng, phường Tân Thành cho biết: Nhiều ngày nay, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và từ phía chính quyền địa phương người dân chúng tôi đã nắm rõ tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, để duy trì cuộc sống và cũng để hạn chế ra đường, gia đình tôi đã có sự chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm từ những ngày trước, vì thế khi Thủ tướng ban bố lệnh cách ly toàn xã hội gia đình tôi không bị động và không hoang mang, sẽ chấp hành nghiêm khuyến cáo của Chính phủ để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả.
Tại chợ Rồng, tình trạng mua bán tích trữ lương thực, thực phẩm diễn ra có phần sôi động hơn. Tìm hiểu chúng tôi được biết, do người dân kháo nhau rằng chợ Rồng sẽ đóng cửa chợ vào 1/4 nên mới có tình trạng này. Ông Phạm Văn Tôn, Phó Ban Quản lý chợ Rồng cho biết: Ban Quản lý chợ và Công an phường Vân Giang đã tuyên truyền để người dân biết chủ chương của Chính phủ và của tỉnh vẫn cho phép các cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu được phép hoạt động và chưa có văn bản nào về việc cấm chợ. Nếu có chúng tôi sẽ thông báo để nhân dân và bà con nắm được, vì vậy bà con cứ yên tâm, không nên tích trữ hàng hóa và không tụ tập đông người.
Qua khảo sát tình hình thị trường, hiện tại giá bán các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt bò, rau quả tăng nhẹ. Tôm, cá và các mặt hàng như đường, sữa, dầu ăn, gia vị, giấy vệ sinh, lương khô giá cả ổn định, nguồn cung dồi dào.
Sẽ phục vụ đầy đủ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của nhân dân
Khan hiếm hàng hóa sẽ không xảy ra trong đợt cách ly dài ngày này đó là khẳng định của hầu hết các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đại diện Công ty TNHH xây dựng và thương mại Anh Đức cho biết: So với lần trước, khi có thông tin trên địa bàn có ca bệnh đầu tiên, người dân đã ồ ạt kéo nhau đi mua hàng dự trữ thì lần này khi có lệnh cách ly toàn xã hội của Thủ tướng người dân không còn mất bình tĩnh đổ xô đi mua hàng tích trữ.
Đến cuối ngày 31/3, hơn 1.000 đại lý của doanh nghiệp trong tỉnh báo về thị trường vẫn trầm lắng, nhiều đại lý tại các huyện đã đóng cửa để tránh lây lan dịch bệnh. Do lượng hàng hóa, kể cả hàng hóa thiết yếu trong thời gian này tiêu thụ không tăng nên hàng tồn kho của doanh nghiệp khá phong phú.
Trước diễn biến dịch bệnh Covid-19, Sở Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp và siêu thị lớn trong tỉnh tích trữ đủ lượng hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân. Điều này rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh vào thời điểm hiện tại.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của Bộ Công thương, UBND tỉnh, Sở Công thương đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng và đảm bảo cung ứng cho thị trường theo các kịch bản diễn biến của dịch bệnh, trong đó tính đến việc chuẩn bị lượng hàng hóa tích trữ dự phòng tăng thêm 30-50% so với nhu cầu bình thường của người dân trên địa bàn tỉnh trong 1 tháng.
Sở Công thương cũng đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để lên phương án và ước tính khả năng cung ứng hàng hóa của từng doanh nghiệp. Hiện tại các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh cam kết cung ứng đầy đủ lượng hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không găm hàng, đầu cơ, tăng giá bán gây bất ổn thị trường.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm - Hồng Giang