Bác sĩ Phan Khắc Lưu, Trưởng khoa phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Tính đến 31/10/2019, lũy tích phát hiện nhiễm HIV/AIDS ở Ninh Bình là: 4.081 người. Trong đó, tổng số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 1.805 người; tổng số trường hợp bệnh nhân AIDS còn sống là 1.183 người; tổng số trường hợp tử vong do AIDS là 1.093 người. Trong 10 tháng đầu năm 2019, số phát hiện HIV mới là 92 trường hợp; số chuyển AIDS là 26 trường hợp, có 6 ca tử vong do AIDS.
Để nâng cao nhận thức, làm thay đổi hành vi của người bệnh và nhân dân trong cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền. Hàng năm, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh như: Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh; các tổ chức, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân trong thực hiện tuyên truyền, truyền thông trực tiếp đến các đoàn viên, hội viên. Cùng với đó, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp nơi có nhiều dân cư di biến động và những người có hành vi nguy cơ cao (nghiện chích ma túy, gái mại dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV/AIDS và gia đình của họ…) về các biện pháp phòng chống, cung cấp địa chỉ các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, điều trị ARV, điều trị Methadone và các dịch vụ y tế khác. Trung tâm cũng phối hợp với ủy ban MTTQ tỉnh triển khai phong trào toàn dân phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư, giúp người dân có nhận thức đúng đắn về căn bệnh này.
Hoạt động chăm sóc điều trị HIV/AIDS được ngành Y tế quan tâm thực hiện tốt. Trong 10 tháng đầu năm 2019 phát hiện 92 người nghiễm HIV, đã tư vấn 73 người tiếp cận điều trị ARV, nâng tổng số người hiện đang được điều trị ARV là 1.248 người, đạt 96% so với chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2019 (1.300 người), trong đó có 43 trẻ em. Số còn lại chưa điều trị có nhiều lý do, như chưa hiểu được tầm quan trọng của điều trị ARV, còn sự kỳ thị của cộng đồng, không muốn công khai danh tính, chưa sẵn sàng tham gia điều trị ARV, Methadone. Hiện tổng số người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế là 1.076/1.124 người, chiếm tỷ lệ 96%. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng chỉ đạo kiện toàn và triển khai hoạt động của các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tại 8/8 huyện, thành phố; đẩy mạnh hoạt động tại các phòng tư vấn xét nghiệm. Trong 10 tháng, có 18.683 người được tư vấn và xét nghiệm HIV, trong đó có 92 trường hợp có kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Cùng với đó, tư vấn và xét nghiệm HIV cho 11.087 phụ nữ mang thai, trong đó số phụ nữ có thai đang điều trị ARV là 17 người, 14 trẻ được sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV đều được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, 7 trẻ được làm xét nghiệm chẩn đoán HIV sớm đều cho kết quả âm tính. Tất cả các bệnh nhân khi phát hiện đều được tư vấn và điều trị theo đúng quy trình.
Trong chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, hiện toàn tỉnh đang điều trị cho 814 bệnh nhân, trong đó có 695 bệnh nhân điều trị liều duy trì, đạt 85%. Đa số các bệnh nhân đều tuân thủ tốt quy trình điều trị, không có tai biến chuyên môn, an ninh trật tự tại khu vực điều trị được đảm bảo. Các cơ sở điều trị Methadone trong tỉnh thường xuyên bổ sung đầy đủ thông tin in thẻ cho bệnh nhân. Đến ngày 31/10, đã in 814 thẻ và cấp phát cho các cơ sở điều trị Methadone trong toàn tỉnh. Đồng thời hoàn thành dự trù thuốc Methadone cho bệnh nhân năm 2021 và dự trù thuốc bổ sung cho dịp Tết Nguyên đán 2019..., đảm bảo cho người điều trị Methadone được thông tin và cung cấp đầy đủ về thuốc trong quá trình điều trị. Cùng với đó, công tác giám sát, xét nghiệm và nâng cao năng lực phòng, chống HIV/AIDS luôn được quan tâm, bằng việc tăng cường mở rộng xét nghiệm nhanh bằng lấy máu đầu ngón tay bệnh nhân tại tất cả các cơ sở y tế, trạm y tế các xã, phường, thị trấn; hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến cơ sở; giám sát, theo dõi và đánh giá chương trình đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS trong toàn tỉnh…
Cũng theo bác sĩ Phan Khắc Lưu, Trưởng khoa phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), mặc dù tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; tuy nhiên, hiện nay, khó khăn, thách thức trong công tác này là kinh phí bị cắt giảm nhiều, nguồn tài trợ từ các dự án quốc tế còn rất ít, làm ảnh hưởng đến công tác triển khai, thực hiện. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương chưa được quan tâm, vào cuộc. Cùng với đó, các cấp, các ngành cũng chưa đầu tư đúng mức về nhân lực và kinh phí để tăng cường cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thêm vào đó, nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm HIV/AIDS vẫn còn cao, nguy cơ gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, tình dục đồng giới, gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ; vẫn còn sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, gia đình của họ trong cộng đồng… Đây là những rào cản lớn đối với các hoạt động trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV.
Để thực hiện hiệu quả Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019, được triển khai từ ngày 11/11-10/12/2019, với chủ đề: "Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS", Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động, yêu cầu Ban chỉ đạo các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tập trung thực hiện tốt các hoạt động trong Tháng hành động quốc gia năm 2019 như: Tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch và phát động; mít tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng; tổ chức thăm, tặng quà gia đình người nhiễm HIV; tư vấn tại các cơ sở y tế về lợi ích của xét nghiệm sớm HIV, điều trị bằng thuốc ARV; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ và truyền thông đại chúng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS… Huy động nhiều nguồn kinh phí từ địa phương, cơ sở cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt tăng cường các biện pháp thông tin, giáo dục, tuyên truyền và truyền thông thay đổi hành vi, mở rộng bao phủ hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc HIV/AIDS, nhất là hoạt động điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; tăng cường công tác xét nghiệm HIV, công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS… tại các cơ sở y tế và cộng đồng, phấn đấu đạt được mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Mỹ Hạnh